Ngày 4/12, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, Tỉnh ủy Bình Định đã đề ra mục tiêu phát triển kinh tế trong năm 2021 ở mức tăng trưởng 6,2 - 6,5%, cao hơn mức bình quân dự kiến của cả nước.
Hội nghị nêu rõ, để đạt được mục tiêu đó phải quyết liệt ngăn chặn, không để đại dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn. Trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế, Tỉnh ủy Bình Định đã đưa ra mức tăng trưởng cao nhất với 9,3 - 9,5% ở lĩnh vực công nghiệp - xây dựng.
Tỉnh ủy Bình Định chỉ đạo tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất và phát triển kinh doanh; xây dựng, hoàn thiện và tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đến năm 2025; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Đặc biệt, tỉnh thúc đẩy tiến độ xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ VSIP Bình Định. Đây là dự án được tỉnh Bình Định kỳ vọng sẽ là động lực phát triển chính của tỉnh trong tương lai gần.
Trong năm 2021, ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tạo nên nét tươi mới trong chỉ số phát triển kinh tế của tỉnh Bình Định khi năm nay, lĩnh vực này đóng góp 51% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 1,05 tỷ USD của tỉnh. Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản được dự tính sẽ có mức tăng trưởng 3,2 - 3,4% trong năm 2021. Tỉnh Bình Định dự kiến tiếp tục tập trung duy trì phát triển toàn diện ở lĩnh vực này; trong đó, chú trọng kiểm soát, không để xảy ra dịch tả lợn châu Phi, đảm bảo tăng trưởng trong lĩnh vực chăn nuôi, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, phát triển rừng, chống xâm nhập mặn và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cho rằng, trong lúc mức tăng trưởng ở lĩnh vực trồng trọt đạt mức 1% trong năm qua và khó có mức tăng cao trong năm tới, chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản vẫn dựa chủ yếu vào chăn nuôi. Năm 2020, khi hàng loạt địa phương bị dịch tả lợn châu Phi níu giữ đà phát triển, Bình Định vẫn tăng đàn lên tới hơn 12,5% tổng đàn so với năm trước.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định Nguyễn Thành Hải nêu, nhiều dự án chăn nuôi, nhân giống vật nuôi hiện đại đang được đầu tư và sắp đi vào hoạt động. Trong năm 2021, lĩnh vực này dự kiến sẽ đóng góp 450 tỷ đồng giá trị gia tăng cho nền kinh tế địa phương. Giá trị gia tăng của ngành Công nghiệp dự kiến đóng góp khoảng 870 tỷ đồng từ tình hình sản xuất tăng trưởng của 7 nhà máy thép, điện mặt trời hiện có trên địa bàn tỉnh. Ngành Xây dựng đóng góp khoảng 462 - 473 tỷ đồng, trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ dự kiến sẽ tham gia khoảng 1.200 tỷ đồng giá trị gia tăng thêm.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng, tuy mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 thấp hơn nhiều năm trước nhưng vẫn là mức tăng hàng đầu các tỉnh trong khu vực do diễn biến của dịch bệnh và suy giảm kinh tế. Trong năm 2021, tỉnh Bình Định tiếp tục nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế -xã hội. Cùng với đó, toàn tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy gắn với triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, không chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; quyết tâm không để dịch COVID-19 phát sinh trên địa bàn.
Đồng thời, tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức thành công Cuộc bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026…
Trong năm 2020, tỉnh Bình Định là một trong số những địa phương không để đại dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn. Bình Định đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Nhờ đó, dù nhiều địa phương lân cận có mức tăng trưởng âm, Bình Định vẫn có mức tăng trưởng 3,61%; xuất khẩu đạt kỷ lục hơn 1,05 tỷ USD; thu ngân sách dự kiến gần 12.200 tỷ đồng.
Phạm Kha