Ông Đào Văn Hùng, Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Bình Định cho biết, trong năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã công nhận 53 sản phẩm đạt tiêu chuẩn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh; trong đó, có 1 sản phẩm đạt hạng tiềm năng 5 sao, 5 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 47 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Một số sản phẩm OCOP nổi bật được công nhận là các loại rượu bàu đá, rượu đậu xanh, rượu nếp của Công ty trách nhiệm hữu hạn BIDIR Hoàng Long; tinh dầu sả nguyên chất của Hợp tác xã nông công thương An Nhơn; nước mắm Bếp Xưa của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại Hưng Thịnh Đạt; tương ớt Tiến Phát của cơ sở nước chấm Trung Hưng Nguyên…
Như vậy, đến nay tỉnh Bình Định có 101 sản phẩm của 91 tổ chức kinh tế được đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó có 6 sản phẩm hạng tiềm năng 5 sao, 10 sản phẩm 4 sao và 85 sản phẩm 3 sao.
Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Bình Định đã phối hợp với đơn vị tư vấn hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ nâng hạng sản phẩm cho 8 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao; tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia cho 3 sản phẩm: Dầu dừa tinh khiết Ngọc An của Hợp tác xã Nông nghiệp Ngọc An, bánh tráng các loại của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sachi Nguyễn, nước mắm Như Hoa của Cơ sở sản xuất nước mắm Như Hoa.
Ông Đào Văn Hùng cho biết, mặc dù triển khai trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài nhưng chương trình OCOP của tỉnh Bình Định đã đạt được nhiều kết quả tích cực; tạo ra những chuyển biến mới, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, ngày càng có nhiều chủ thể kinh tế tham gia chương trình, nhiều sản phẩm được công nhận OCOP; các sản phẩm khi tham gia chương trình này có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng, bao bì nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu, quy mô sản xuất; thị trường bán sản phẩm OCOP cũng được mở rộng đến các tỉnh, thành trong cả nước.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia chương trình OCOP với quy mô nhỏ, năng lực quản trị còn yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Các chủ thể sản xuất mới chỉ tập trung vào hoàn thiện hồ sơ mà chưa quan tâm đến cải thiện chất lượng sản phẩm. Một số hộ dân, cơ sở thiếu vốn để thay đổi, nâng cấp phương tiện, máy móc để sản xuất. Nhiều chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của chương trình OCOP nên chưa tích cực tham gia chương trình.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Bình Định đã đề ra nhiều giải pháp trong thực hiện chương trình OCOP trong năm 2022; trong đó tiếp tục tuyên truyền về tầm quan trọng của chương trình OCOP trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện các chính sách về hỗ trợ phát triển sản phẩm khu vực nông thôn, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, quảng bá sản phẩm.
Mặt khác, Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Bình Định tiếp tục củng cố, phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp để sản xuất các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp; kêu gọi các tổ chức tham gia nghiên cứu các sản phẩm văn hóa du lịch gắn với làng nghề truyền thống nông thôn, du lịch sinh thái đối với các địa phương có tiềm năng du lịch.
Tường Quân