Biểu tượng Rồng trong văn hoá Việt Nam và Đông Nam Á

Biểu tượng Rồng trong văn hoá Việt Nam và Đông Nam Á
Hình tượng rồng thời Lý với thân tạo hình dòng sông. Ảnh: TTXVN
Hình tượng rồng thời Lý với thân tạo hình dòng sông. Ảnh: TTXVN

Theo Tiến sĩ Trần Trọng Dương, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, các biểu tượng khác nhau của rồng được nhắc đến qua truyền thuyết "Long sinh cửu Tử" - rồng sinh chín con nhưng không có con nào thành rồng. Truyện đã được chép lại trong nhiều cổ thư và sau đó truyền nhập trong hệ thống văn hiến, thư tịch của các nước sử dụng chữ Hán như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản. Không chỉ ảnh hưởng qua con đường sách vở, các biểu tượng linh vật trong nhóm "Long sinh cửu Tử" còn có những dấu vết vật chất rõ nét qua các hiện vật khảo cổ học lịch sử ở các nước này. Truyền thuyết này được truyền tải, ghi chép qua nhiều đời với nhiều dị bản khác nhau.
 
Qua khảo sát gần mười thư tịch cổ, các tên gọi, chức năng, của các linh vật không phải lúc nào cũng thống nhất và không ít chỗ, các dị bản cho thấy số lượng các con của rồng còn nhiều hơn con số chín. 

Trong buổi tọa đàm, Tiến sĩ Trần Trọng Dương cũng giới thiệu cụ thể về chín biểu tượng "con của rồng": Bí Hí - hình như con rùa thích mang vật nặng, thường đội bia; Xi Vẫn- hình thể kết hợp giữa đầu rồng và thân thú, thường đặt ở đầu kìm và trên nóc các công trình kiến trúc, dùng để trấn trừ hỏa tai; Bồ Lao - hình rồng hai đầu, sợ cá kình, thường dùng để làm quai chuông. Ngạn Bệ - hình giống như hổ, rất hung dữ, thường đặt ở cửa ngục; Thao Thiết - tính thích nhai nuốt, nên tạc ở trên thân vạc; Công Hạ - tính thích nước, thường đặt ở đầu cầu; Nhai Tì - tính hiếu sát, thường đúc ở chuôi vũ khí; Kim Nghê - hình dáng sư tử vàng, thích nuốt khói, thường đúc ở trên nắp lò hương; Tiêu đồ - hình trai ốc hoặc mặt sư tử, mặt rồng chính diện, tính nghiêm mật, thường đúc ở tay khóa cửa nhà; Trào Phong - tính thích nguy hiểm, thích trông xa, nên tạc trên nóc mái để canh giữ. 

Tiến sĩ Trần Trọng Dương cũng cho biết, trong các biểu tượng trên, Xi Vẫn là biểu tượng có mật độ sử dụng dày nhất, nhiều biến thể nhất và có nhiều nơi để lựa chọn tạo dáng nhất. 

Trả lời câu hỏi về cách thức những biểu tượng văn hoá này du nhập về Việt Nam, Tiến sĩ Trần Trọng Dương cho biết, có 2 nhóm từ Trung Hoa và Ấn Độ sang. Nhóm từ Ấn Độ sang sẽ đi theo 2 hướng đường biển và đường bộ. Mỗi khi truyền sang một quốc gia, những biểu tượng này sẽ có biến đổi khác nhau để phù hợp hơn với văn hoá của quốc gia đó. 

Đồng tình với quan điểm này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Hồng Hải, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, những biểu tượng khác nhau của rồng có tính giao thoa văn hoá vô cùng đặc sắc nhưng cũng gây nhiều tranh cãi. 

Thắc mắc về việc sử dụng thuật ngữ "lưỡng long chầu nguyệt và lưỡng long chầu nhật" cũng được hai diễn giả giải đáp. Theo đó, xét theo việc biểu tượng luôn được sử dụng tại các lăng tẩm của vua như Lăng Khải Định và một số lăng tẩm khác, đặc biệt ở Thừa Thiên Huế, biểu hiện cho vương quyền nên thuật ngữ lưỡng long chầu nhật là cách sử dụng phù hợp. Còn lưỡng long chầu nguyệt là thuật ngữ áp dụng cho trường hợp khác. 

Các biểu tượng linh vật trong nhóm "Long sinh cửu Tử" ít nhiều đã có ảnh hưởng nhất định đến “văn minh vật chất” của người Việt trong khoảng hơn ngàn năm. Việc giải mã các biểu tượng trên cơ sở kết hợp tư liệu thành văn với các hiện vật khảo cổ học lịch sử sẽ góp phần soi sáng khía cạnh liên văn hóa của biểu tượng rồng Việt Nam trên cơ tầng văn hóa Đông Á- Đông Nam Á. 

Minh Huệ 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm