Biến đổi khí hậu: Ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào nông nghiệp cho thu nhập cao

Biến đổi khí hậu: Ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào nông nghiệp cho thu nhập cao
Mô hình tưới nước tiết kiệm phun mưa cho cây măng tây xanh ở xã An Hải (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Mô hình tưới nước tiết kiệm phun mưa cho cây măng tây xanh ở xã An Hải (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Điển hình là mô hình cánh đồng lớn hơn 45 ha trồng măng tây xanh trên đất cát ở thôn Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước). Trước đây, người dân chủ yếu trồng rau màu nhưng gặp nhiều khó khăn về nguồn nước tưới, nhất là vào mùa khô hạn. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, người dân chuyển sang trồng cây măng tây xanh theo mô hình tưới nước tiết kiệm gắn liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, hợp tác xã...

Nhờ áp dụng hiệu quả mô hình, năng suất măng tây xanh cho thu hoạch bình quân từ 8–12 kg/sào/ngày. Cây măng tây cho thu hoạch liên tục 3 tháng, chỉ nghỉ 1 tháng để dưỡng cây. Sản phẩm được hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu thu mua với giá bình quân 50.000 đồng/kg. Nhờ đó, người trồng có doanh thu vài chục triệu đồng mỗi tháng.

Ông Hùng Ky - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú cho biết, hợp tác xã đang áp dụng hai phương pháp tưới phun mưa và nhỏ giọt. Chi phí đầu tư thiết bị tưới phun mưa cho 1 sào (1.000 m2) từ 5–7 triệu đồng, tưới nhỏ giọt từ 10–12 triệu đồng. Cách tưới tiết kiệm giúp tiết giảm từ 30–60% lượng nước so với phương pháp tưới truyền thống. Ngoài ra, có thể kết hợp bón phân, thuốc bảo vệ thực vật qua hệ thống tưới, giúp giảm chi phí sản xuất.

Mô hình trồng rau thủy canh an toàn trong nhà màng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Ninh Phước). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Mô hình trồng rau thủy canh an toàn trong nhà màng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Ninh Phước). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Với mô hình tưới nước tiết kiệm, người dân có thể mở rộng sản xuất trên các vùng đất cát bạc màu, góp phần hạn chế quá trình hoang mạc hóa đất đai. Từ hiệu quả mang lại, các hộ ở địa phương đang nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm trên một số loại cây trồng như hành, ngò, đậu phộng và một số hoa màu khác.

Ngoài ra, nhờ liên kết sản xuất nên hợp tác xã vẫn duy trì sản xuất ổn định trong mùa dịch COVID–19. Hiện hợp tác xã phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ thử nghiệm mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính đầu tiên ở địa phương. Mô hình này giúp bảo vệ cây trồng trước những tác động bất lợi của thời tiết, giảm nguy cơ xâm hại của sâu bệnh, cho năng suất cao và có thể trồng quanh năm. Thời gian tới, hợp tác xã còn chuyển giao công nghệ trồng rau thủy canh để người dân phát triển sản xuất - ông Hùng Ky chia sẻ.

Ông Đặng Kim Cương - Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho rằng, việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để gia tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích sản xuất; hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.

Thời gian qua, tỉnh đã tập trung hỗ trợ, triển khai áp dụng khoa học, công nghệ vào trong sản xuất, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả kinh tế như: áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây nho, táo, mía, mãng cầu, bưởi, mít, cây rau màu, cỏ chăn nuôi với tổng diện tích khoảng 1.500 ha; bao lưới chống ruồi vàng cho vườn táo; trồng dưa lưới Nhật Bản; trồng nho, táo, măng tây xanh VietGAP; sản xuất giống thủy sản chất lượng cao; nuôi các loài nhuyễn thể, cá biển lồng bè; nuôi dê, cừu vỗ béo...

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được coi là giải pháp đột phá để giúp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên do tiềm lực kinh tế, nguồn vốn hỗ trợ xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao còn ít, trình độ của người dân không đều nên chưa thúc đẩy việc phổ biến, áp dụng phương thức canh tác tiến bộ trên diện rộng. Đây là những hạn chế cần sớm có giải pháp khắc phục để phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao ở Ninh Thuận.

Trồng dưa lưới theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng tại xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Trồng dưa lưới theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng tại xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Tính đến cuối năm 2019, Ninh Thuận đã thu hút 8 dự án đầu tư trồng rau màu, cây ăn trái theo hướng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích khoảng 200 ha. Hiện tỉnh đang đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đối với những sản phẩm đặc thù để phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ có giá trị và tính cạnh tranh cao.

Cùng đó, Ninh Thuận cũng khuyến khích, tạo điều kiện để người dân liên kết với doanh nghiệp tham gia đầu tư, sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng; xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, tem truy xuất nguồn gốc; phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch..., giúp người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất.
 
Nguyễn Thành

Có thể bạn quan tâm