Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Điều này góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ngay trong “thời gian vàng”, giảm tỷ lệ chuyển tuyến.
Theo Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Bệnh viện Thống Nhất) Phạm Văn Dũng, tháng 3/2015, Trung tâm can thiệp tim mạch (Bệnh viện Thống Nhất) đi vào hoạt động. Nhờ các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) chuyển giao kỹ thuật nên từ đó đến nay, Bệnh viện Thống Nhất đã thực hiện gần 250 ca chụp động mạch vành và can thiệp tim mạch, trong đó có 200 ca nhồi máu cơ tim.
Thống kê của Bệnh viện Thống Nhất cho thấy, từ năm 2014 trở về trước, mỗi tháng, bệnh viện phải chuyển hàng chục bệnh nhân lên tuyến trên để can thiệp tim mạch; năm 2013, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh tim mạch phải chuyển tuyến ở đây là trên 47%; năm 2014, gần 39%, nhưng qua 11 tháng của năm 2015, tỷ lệ này chỉ còn trên 4%.
Ông Dũng cho biết hiện Trung tâm tim mạch của Bệnh viện Thống Nhất đã hoàn thiện cơ sở vật chất và có đầy đủ các phòng chuyên môn gồm khu can thiệp tim mạch với 1 phòng DSA (Cathlab), Khu Phẫu thuật tim với 2 phòng mổ.
Trung tâm tim mạch có hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) treo trần, hệ thống các phòng liên quan; máy bóng đối xung nội động mạch chủ (IABP); máy siêu âm tim trong lòng mạch (IVUS) có kèm phần mềm FFR; hệ thống oxy, hút, khí nén trung tâm,…
Riêng phòng mổ tim hở được trang bị hệ thống máy tim phổi nhân tạo; máy gây mê giúp thở; máy giúp thở đa năng; máy xét nghiệm đông máu ACT; máy khí máu động mạch; các bộ dụng cụ phẫu thuật tim. Hệ thống máy hấp tiệt trùng plasma, ethylene oxid được trang bị đầy đủ.
Thời gian qua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuyển giao cho Bệnh viện Thống Nhất các gói kỹ thuật như thông tim trái, thông tim phải, chụp mạch vành, chụp buồng thất, can thiệp đặt stent động mạch cảnh, can thiệp đặt stent hẹp eo động mạch chủ,…
Đặc biệt là kỹ thuật đặt stent nơi tổn thương hẹp, kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tạm thời. Sau chuyển giao, các bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất đã làm chủ được các kỹ thuật này; thực hiện thành công nhiều ca can thiệp tim mạch phức tạp.
Sau 5 tháng đi vào hoạt động, đến nay Khoa Tim mạch can thiệp - Bệnh viện đa khoa Đồng Nai (Bệnh viện Đồng Nai) đã thực hiện gần 300 ca can thiệp tim mạch.
Trong đó, có nhiều ca tai biến mạch máu não, thậm chí có ca ngưng tim nhưng Khoa tim mạch can thiệp vẫn dùng phương pháp can thiệp động mạch vành bằng cách đặt stent (giá đỡ) để cứu sống người bệnh.
Lãnh đạo Bệnh viện Đồng Nai cho biết, thời gian qua, Bệnh viện Đồng Nai đã hợp tác với Bệnh viện đa khoa Hokusetsu (Nhật Bản) để chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch.
Hiện ông Wataru Nagamatsu, Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp của Bệnh viện Hokusetu đã trực tiếp hướng dẫn cho các bác sĩ của Bệnh viện Đồng Nai nhiều kỹ thuật phức tạp trong điều trị, phẫu thuật tim mạch. Với sự hợp tác này, Bệnh viện Đồng Nai tin tưởng sẽ điều trị thành công hầu hết những ca bệnh khó.
Theo ông Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, thời gian qua, Đồng Nai đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng, mở rộng các bệnh viện, mua sắm trang thiết bị y tế. Hệ thống y tế ở Đồng Nai đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, những năm tới, ngành y tế Đồng Nai sẽ tập trung đầu tư trang thiết bị, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho một số bệnh viện tuyến tỉnh; đầu tư phát triển các Trung tâm Tim mạch can thiệp; tăng cường các chương trình hợp tác với các bệnh viện tuyến trên, hợp tác quốc tế trong đào tạo cán bộ y tế.