Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch – lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức), điểm đặc biệt của ca ghép tạng “xuyên Việt” này là thời gian chết não của bệnh nhân cho tạng kéo dài tới hơn 5 ngày, khiến chức năng tim và gan suy giảm, chưa kể thời gian vận chuyển nguồn tạng hơn 8 tiếng đồng hồ, chậm hơn dự kiến ban đầu khoảng 4 tiếng do… tắc đường. Quá trình này kéo dài đã khiến gan có dấu hiệu bị hoại tử còn tim bị thương tổn. Theo bác sỹ Ước, đã có giai đoạn người cho tạng sốc chấn thương, thời gian thiếu máu của quả tim cho lên tới 7h15 phút.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đến thăm và tặng quà cho bệnh nhân vừa được ghép tạng. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Ngay khi tạng được chuyển lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), kíp phẫu thuật tại Bệnh viện Việt - Đức đã mở lồng ngực và ổ bụng của 2 bệnh nhân suy tạng để sẵn sàng thực hiện ca ghép ngay khi nguồn tạng về tới Hà Nội. Bệnh nhân được ghép tim là nam giới, 64 tuổi bị suy tim giai đoạn cuối, hai lần đặt 9 stents từ năm 2005. Với bệnh nhân này, thời gian sống chỉ tính bằng ngày. Không còn giải pháp điều trị thường quy nào khác ngoài ghép tim. Bệnh nhân cũng trong tình trạng phù phổi, suy thận.
Bệnh nhân sau khi được ghép đã ổn định dần sức khỏe, có thể ngừng siêu lọc sau 6 ngày, ngừng bóng đối xung và thở máy sau 8 ngày ghép (tức là ngày 4/5). Đến ngày thứ 10 sau ghép, tim bệnh nhân đã hoạt động tốt, hệ thống tiết niệu, suy thận giảm dần, bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống, tự thở tốt, siêu âm tim tốt.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân ghép tim. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Theo bác sỹ Ước, với bệnh nhân ghép tim, tiên lượng khá khả quan, nguy cơ duy nhất có thể gặp phải là nhiễm trùng sau ghép. Bệnh nhân được ghép gan 54 tuổi, suy gan giai đoạn cuối.
Sau ca ghép đến nay, 2 bệnh nhân đã tỉnh táo, sức khỏe ổn định và ăn uống bình thường trở lại. Đây là ca ghép tim thứ 13 và ghép gan thứ 16 từ nguồn tạng của người cho chết não được thực hiện tại Bệnh viện Việt - Đức./.