Bệnh nhân Đoàn Thế Lâm đang được theo dõi sau phẫu thuật. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN |
Trước đó, vào tối 27/3, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng choáng, không đo được huyết áp, không bắt được mạch, suy hô hấp, đặt nội khí quản, đồng tử giãn, phản xạ ánh sáng kém và nhiều vết thương sâu ở vùng ngực, bụng, vai, mặt, mất nhiều máu.
Các bác sỹ của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã tiến hành hồi sức tích cực cho bệnh nhân ngay tại phòng cấp cứu, huy động các phương tiện chẩn đoán nhanh. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có dịch khoang màng tim, có khí tự do trong ổ bụng và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu khuẩn cấp.
Sau 5 giờ tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ đã cưa xương ức, lấy 350 ml máu đông trong màng tim, phát hiện bệnh nhân bị vỡ tim (vết vỡ 1,5 cm) và tiến hành khâu vết thương tim. Bên cạnh đó, các bác sĩ còn phát hiện bệnh nhân bị thủng gan 3 cm, thủng cơ hoành 1 cm. Do bị các vết thương quá lớn, đa chấn thương, mất nhiều máu nên bệnh nhân được truyền 21 đơn vị máu.
Trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, bác sĩ Đỗ Trung Dũng, khoa Hồi sức – Phẫu thuật tim, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho biết, bệnh nhân may mắn có phần máu đông ở màng tim bít vào vết thương không cho vết thương bị vỡ bung ra. Bệnh nhân bị vỡ tim do chịu áp lực từ các vết đâm khác ở lồng ngực tác động. Trường hợp này nếu không được cấp cứu kịp thời nguy cơ tử vong cao.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Lợi, Khoa Gây mê – Hồi sức, do bệnh nhân bị đa chấn thương, tổn thương não, tụt huyết áp lâu, mất máu nhanh, nhiều, sau phẫu thuật các sơ quan bị suy hết nên quá trình hồi sức hậu phẫu diễn ra rất khó khăn.
Hiện, vết thương tim, huyết áp của bệnh nhân đã ổn định, bệnh nhân đã tỉnh lại, mở mắt, có phản xạ, co chân, co tay, có thể sinh tồn; các chức năng còn lại cần phải theo dõi thêm.