Nhân viên trạm Bảo vệ thực vật huyện Điện Biên kiểm tra lúa bị sâu bệnh. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, đến thời điểm ngày 3/4, tình trạng sâu bệnh hại lúa Đông Xuân gia tăng, chủ yếu là các bệnh: đạo ôn lá, khô vằn, bạc lá, đốm nâu, tập đoàn rầy, bọ xít dài... Đặc biệt, bệnh đạo ôn đã gây hại tại 6/10 huyện, thị xã, thành phố với tổng diện tích xuất hiện hơn 2.600ha lúa; trong đó gần 1.000 ha lúa bị nhiễm, tăng gần 400ha so với cùng kỳ năm 2018.
Diện tích lúa nhiễm đạo ôn tập trung tại địa bàn các huyện: Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé, Mường Ảng, Tuần Giáo, thành phố Điện Biên Phủ. Chủ yếu là các giống lúa séng cù, bắc thơm.
Theo ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Điện Biên, dự báo trong khoảng 10 ngày tới, trà lúa chính vụ sẽ trổ. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết mưa, âm u như hiện nay rất phù hợp cho bệnh đạo ôn phát sinh và gây hại, nguy cơ phát triển lên đạo ôn cổ bông rất cao. Bởi vậy, Chi cục Bảo vệ Thực vật đã chỉ đạo phải phòng trừ ngay toàn bộ các diện tích đã bị nhiễm đạo ôn lá trước trổ và sau trổ.
Phun thuốc phòng chống sâu bệnh cho lúa Đông Xuân tại Điện Biên. Ảnh: Văn Dũng – TTXVN |
UBND tỉnh Điện Biên cũng đã có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa vụ Đông Xuân 2018 – 2019. Cụ thể, UBND các địa phương phân công cán bộ tăng cường bám sát địa bàn cơ sở, theo dõi, nắm chắc diễn biến thời tiết, hướng dẫn nông dân chủ động kiểm tra đồng ruộng; tập trung chỉ đạo quyết liệt phun phòng cho các diện tích lúa có nguy cơ cao; tăng cường kiểm tra, đôn đốc phòng chống bệnh đạo ôn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cũng huy động lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, phòng chống bệnh để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh đạo ôn và các sinh vật gây hại gây ra.
Đối với diện tích lúa đã bị đạo ôn lá, hướng dẫn người dân tiến hành phun kép 2 lần, sử dụng các loại thuốc đặc trị bệnh đạo ôn cổ bông, khi phun thuốc ruộng phải đủ nước; đối với diện tích lúa chưa bị đạo ôn lá nhưng nằm trong vùng nhiễm bệnh, cần phòng trừ ngay bằng cách phun thuốc bảo vệ thực vật.
Xuân Tư