Nên tích hợp các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tránh phân tán nguồn vốn - đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vào chiều 12/6.
Nhìn nhận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, theo nhận xét của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, mục tiêu của Chương trình là giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; cải thiện đời sống nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu…
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, để thực hiện được cần vượt qua khó khăn từ nguồn vốn, ngân sách để đầu tư. Theo phân tích của đại biểu, quá trình thực hiện cho vùng đồng bào thiểu số và miền núi thì có nhiều chương trình, dự án nhưng không đáp ứng được do nguồn vốn phân tán, vì vậy không đủ để cung cấp cho chương trình mục tiêu quốc gia. “Trong chương trình sắp tới quan trọng nhất cũng chính là nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số. Thuận lợi là có chủ trương, có nghị quyết và chắc chắn rằng Quốc hội có những định hướng để đầu tư. Nhưng khó khăn vẫn sẽ tiếp tục nếu ngân sách quốc gia không đạt được, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang xảy ra. Ngân sách Nhà nước không đủ đáp ứng sẽ rất khó khăn”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương bày tỏ.
Để nguồn vốn đến đúng đối tượng, đúng địa chỉ, không để lãng phí, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, phải tích hợp tất cả các chương trình, dự án vào một lĩnh vực để quản lý và điều hành.
“Trước kia đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi có rất nhiều chương trình, dự án vừa tăng người quản lý, điều hành vừa tách rời các dự án ra xa nhau. Lần này muốn có hiệu quả cao thì phải tích hợp dự án vào một cơ quan điều hành, đầu tư vào một chỗ. Bên cạnh đó phải huy động được nguồn lực từ xã hội hóa trong việc cung cấp các lĩnh vực cho đồng bào dân tộc. Cũng phải giúp cho đồng bào tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, đặc biệt từ Ngân hàng chính sách xã hội để không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn vươn lên để phát triển kinh tế…”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh.
Hạnh Quỳnh