Thi thể cháu Cao Văn Q. (sinh năm 2015) ở bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: TTXVN phát |
Khoảng 10 giờ sáng 4/6, một số người dân đi trồng rừng phát hiện cháu Cao Văn Q bị đuối nước trên sông Gianh, đoạn chảy qua bản Kè, xã Lâm Hóa. Mọi người hô hoán rồi xuống sông cứu người nhưng cháu bé đã tử vong.
Ông Cao Trung Kiên cho biết: Gia đình cháu Cao Văn Q là người Mã Liềng (nhóm địa phương thuộc dân tộc Chứt), thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn nhất ở địa phương. Bố cháu Cao Văn Q phải đi làm ăn xa, mẹ cháu lại không có nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Vì vậy, để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, mẹ Cao Văn Q phải đi xúc cá ở sông, suối mang ra chợ bán lấy tiền để chăm lo cuộc sống của mấy mẹ con. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, mẹ của cháu Cao Văn Q đang đi xúc cá ở khu vực thượng nguồn sông Gianh. Biết mẹ đi xúc cá ở sông, cháu Q ngủ dậy đã đi tìm mẹ dẫn đến đuối nước.
Theo ông Cao Trung Kiên, Lâm Hóa là địa bàn miền núi, có nhiều khe, suối và sông chảy qua, vì vậy chính quyền địa phương, các đoàn thể và giáo viên luôn nhắc nhở, tuyên truyền đến phụ huynh và các cháu nhỏ nâng cao ý thức, chủ động phòng, tránh tai nạn đuối nước, nhất là bước vào mùa hè và mưa lũ. Tuy nhiên, là xã vùng núi, đời sống kinh tế xã hội của người dân địa phương còn gặp nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc chiếm tỷ lệ gần 60% dân số toàn xã, trình độ dân trí còn thấp, vì vậy, công tác tuyên truyền gặp không ít khó khăn; nhận thức của bà con cũng còn nhiều hạn chế.
Hiện chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình và hỗ trợ kinh phí mai táng cho cháu bé theo phong tục của địa phương.
Chỉ mới bước vào đầu kỳ nghỉ hè, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, cướp đi biết bao sinh mệnh. Nhằm giảm thiểu tối đa về tai nạn đuối nước, tai nạn thương tích cho thanh thiếu nhi trong dịp hè, thời gian vừa qua, chính quyền, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền và triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm phòng chống đuối nước cho người dân, đặc biệt là đối với trẻ em, đoàn viên thanh niên.
Đầu tháng 6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2019. Qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích, tác dụng của việc tập luyện môn bơi, các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, đồng thời, vận động toàn dân tích cực tập luyện môn bơi nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực, phòng, chống bệnh tật cho trẻ em và cộng đồng. Bên cạnh đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc phát triển phong trào dạy bơi, học bơi và công tác phòng, chống đuối nước, góp phần từng bước giảm tai nạn đuối nước.
Để hạn chế tình trạng đuối nước đáng tiếc xảy ra, nhất là ở khu vực miền núi, nhiều biện pháp thiết thực cũng được các địa phương trong tỉnh pháp động và thực hiện. Chính quyền xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đã triển khai cắm 10 biển cảnh báo đuối nước tại những vị trí "điểm đen" ở các khu vực gần bờ sông, hồ, đập, nơi có nguy cơ trẻ em bị đuối nước cao trên địa bàn xã.
Ông Trần Xuân Tân, Bí thư Đảng ủy xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết: Xã sẽ tăng cường chỉ đạo cán bộ chuyên môn phụ trách lĩnh vực trẻ em tiếp tục tiến hành cắm tổng thể 15 biển cảnh báo đuối nước ở các “điểm đen”. Để đảm bảo cho các em có một mùa hè thật ý nghĩa, an toàn, UBND xã Mai Hoá cũng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi toàn thể nhân dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh luôn nhắc nhở, quản lý con em mình tuyệt đối không để các em ra sông suối một mình, đi chơi không xin phép.
Võ Dung