Bế mạc Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017

Bế mạc Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017
Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017 do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, tổ chức... Liên hoan có sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 34 đơn vị nghệ thuật công lập, các học viện âm nhạc, nhạc viện, cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên ngành biểu diễn âm nhạc dân tộc trên toàn quốc. 

Các đơn vị tham dự liên hoan đã biểu diễn 34 chương trình với 189 tiết mục, gồm các thể loại: độc tấu, song tấu, tam, tứ tấu, hòa tấu... Các tiết mục, chương trình biểu diễn thể hiện tình yêu quê hương đất nước với những cảnh đẹp của thiên nhiên, ca ngợi quân dân Việt Nam, những con người cần cù trong lao động, sản xuất, dũng cảm trong chiến đấu, vượt qua khó khăn, gian khổ, không sợ hy sinh để xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mỗi tác phẩm độc tấu, hòa tấu đều thể hiện được những sắc thái, diện mạo riêng của từng nghệ sỹ, nhạc công, dàn nhạc, đơn vị và từng loại hình nghệ thuật. 
 
Biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Ảnh:internet
Biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Ảnh:internet

Theo đánh giá của Ban tổ chức, Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017 đã thành công tốt đẹp. Liên hoan lần này đã có nhiều tác phẩm độc tấu, hòa tấu mới được sáng tác, các nhạc sỹ đã tìm tòi, sáng tạo, kế thừa tinh hoa của âm nhạc dân tộc truyền thống sử dụng và phát triển trong tác phẩm. Đa số nghệ sỹ biểu diễn đạt trình độ tương đối cao, chuẩn xác về âm thanh ở các âm khu nhất là những âm khu cao thường khó chuẩn. Ngoài ra, khá nhiều nghệ sỹ tham gia liên hoan có tuổi đời rất trẻ, đã hé lộ tài năng, nếu được bồi dưỡng, đào tạo có bài bản thì dòng âm nhạc dân tộc sẽ ngày càng phát triển. 

Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017 là hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc dân tộc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, định kỳ 3 năm một lần. Đây cũng là dịp để các nghệ sỹ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị nghệ thuật công lập, các giảng viên, học sinh, sinh viên đang giảng dạy, học tập chuyên ngành nhạc cụ dân tộc tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm… Liên hoan còn là hoạt động ý nghĩa nhằm quảng bá và giới thiệu đến người dân và du khách trong, ngoài nước về các loại hình biểu diễn nhạc cụ truyền thống của Việt Nam đa dạng, phong phú và hấp dẫn. 

Nhân dịp này, Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã tặng bằng khen cho các nhạc sỹ, nghệ sỹ có nhiều sáng tác hiệu quả và tặng giải thưởng cho nhạc sỹ Thạch Mô Ly (Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khơ-me - Bạc Liêu) với tác phẩm xuất sắc nhất trong liên hoan./. 
Hoa Mai
TTXVN

Có thể bạn quan tâm