Bế mạc Lễ hội Âm nhạc cổ điển tại Đà Lạt

Sau 8 ngày diễn ra với gần 20 chương trình biểu diễn, chiều 17/3, Chương trình Lễ hội Âm nhạc cổ điển Việt Nam - Vietnam Classical Music Festival đã bế mạc tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng).

vna_potal_be_mac_le_hoi_am_nhac_co_dien_tai_da_lat__7275552.jpg
Các nghệ sỹ biểu diễn trong chương trình bế mạc tại nhà hát Dalat Opera House (thành phố Đà Lạt) chiều 17/3. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

Sự kiện bế mạc diễn ra bằng chương trình hòa nhạc tại Nhà hát Dalat Opera House với sự góp mặt của nhiều nghệ sỹ như: Trần Lê Bảo Quyên, Lê Minh Hiền, Phạm Vũ Thiên Bảo, Tim Alhoff (nghệ sỹ piano của Đức), các nghệ sỹ đến từ Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam…

Tại sự kiện, các nghệ sỹ đem đến cho khán giả những cung bậc cảm xúc khác nhau bằng những tác phẩm âm nhạc cổ điển đến từ “các nôi” Châu Âu và các quốc gia khác. Khán phòng hàng trăm chỗ ngồi của nhà hát chỉ còn ít ghế trống, đa phần khán giả cũng là những người trẻ mê nhạc cổ điển. Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các buổi biểu diễn lễ hội âm nhạc lần này được tổ chức tại các địa điểm phi truyền thống như ở ngoài trời, các không gian nghệ thuật của Đà Lạt. Điều này đã giúp cho âm nhạc cổ điển đến với khán giả đại chúng nhiều hơn, đặc biệt là những người trẻ, đúng theo slogan của lễ hội là “Nhạc cổ điển dành cho tất cả mọi người”.Lễ hội Âm nhạc cổ điển Việt Nam - Vietnam Classical Music Festival do Công ty Cổ phần lễ hội Việt Nam tổ chức lần đầu tiên tại thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO - Đà Lạt. Sự kiện âm nhạc đặc biệt này quy tụ hơn 100 nghệ sĩ với 17 buổi diễn từ ngày 10 1 17/3.

vna_potal_be_mac_le_hoi_am_nhac_co_dien_tai_da_lat__7275550.jpg
Lễ hội Âm nhạc cổ điển Việt Nam - Vietnam Classical Music Festival quy tụ 100 nghệ sỹ trong và ngoài nước tham gia, trong đó đa phần là các nghệ sỹ trẻ. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

Chương trình được tổ chức tại 4 địa điểm trên địa bàn thành phố Đà Lạt để những người yêu nghệ thuật, âm nhạc cổ điển lẫn du khách có cơ hội trải nghiệm, thưởng thức âm nhạc.

Trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra Triển lãm Đối thoại về thời gian của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, một trong tứ trụ hiện đại của hội họa Việt Nam.

Ngoài ra, lễ hội còn có chương trình hội thảo chuyên đề “Nhạc cổ điển dành cho tất cả mọi người”, các lớp học chuyên sâu về nhạc cụ.

Nguyễn Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm