Ông Nguyễn Đức Hải, 71 tuổi, trú xã ĐăkHLơ, huyện KBang (áo trắng) trao đổi với Phóng viên TTXVN về việc được Bệnh viện Mắt Cao Nguyên mổ mắt từ thiện. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN |
Cụ thể, thông qua kế hoạch hành động khám chữa bệnh từ thiện nhân đạo và cấp phát thuốc miễn phí trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Bệnh viện Mắt Cao Nguyên và Bệnh viện Mắt quốc tế Sài Gòn - Gia Lai đã tổ chức khám sàng lọc tại nhiều địa phương cho hàng chục ngàn lượt người, qua đó đã chỉ định mổ hàng nghìn bệnh nhân. Đáng quan tâm là trước khi tổ chức khám từ thiện, hai bệnh viện này đều gửi giấy mời thông báo đến người dân, khi đi khám phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế và giấy chứng minh nhân dân – điều chưa từng xảy ra trong trong các chương trình từ thiện. Đặc biệt, hầu hết những bệnh nhân được chỉ định mổ đều được xác nhận có mã quyền lợi bảo hiểm cao. Việc khám, chữa bệnh từ thiện của các cơ sở y tế cho người dân, nhất là người nghèo ở vùng sâu, vùng xa là hành động đúng và hợp đạo lý. Song việc khám từ thiện của hai bệnh viện này lại quá “nhiệt tình” khiến dư luận nghi ngờ có hay không việc “gom” bệnh nhân để rút quỹ bảo hiểm y tế. Chỉ trong vòng hơn 7 tháng, Bệnh viện Mắt Cao Nguyên đã tổ chức khám cho tất cả các xã thuộc 12 huyện của tỉnh Gia Lai. Theo đó, hơn 15.000 lượt người dân đã đến khám, trong đó gần 14.000 người bị bệnh về mắt gồm: hơn 4.000 bệnh nhân đục thủy tinh thể, gần 3.000 bệnh nhân bị mộng thịt và gần 7.000 bệnh nhân viêm kết mạc, giác mạc, khô mắt, tật khúc xạ… Kbang là một trong những địa phương điển hình được Bệnh viện Mắt Cao Nguyên hoàn tất việc khám sàng lọc từ thiện và cấp phát thuốc miễn phí cho hàng nghìn người dân thuộc 14 xã chỉ trong vòng 1 tuần, từ ngày 11 – 19/3/2019. Đa phần trong số này đều mắc những bệnh về mắt, trong đó rất nhiều người được chỉ định mổ cả hai mắt và được bệnh viện bố trí xe đưa đón miễn phí. Sau khi mổ, nhiều bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu biến chứng và đã kiến nghị trong buổi tiếp xúc cử tri tại xã. Ông Nguyễn Đình Ngụ (84 tuổi, ở xã ĐăkHLơ) cho biết: Ông nhận được thông báo của Hội Người cao tuổi là có đoàn khám từ thiện mắt cho nhân dân nên đến trạm xá để khám. Khám xong, bác sỹ nói phải mổ. Sau đó, các bác sỹ khác nói ông về chuẩn bị các loại giấy tờ như sổ bảo hiểm y tế, giấy khám chữa bệnh, chứng minh nhân dân và tư trang để Bệnh viện Mắt Cao Nguyên đưa lên chữa trị. Khi lên kiểm tra lại, bác sỹ xác định mổ cả hai mắt, lúc đó, ông mới biết. Từ khi mổ đến nay, thời gian đầu mắt ông bị nhặm, có những hiện tượng như điện chớp. Khoảng 4-5 ngày sau chuyển sang dạng như tro bay lơ lửng trước mắt, ông tưởng bụi nhưng không phải. Một thời gian sau, hiện tượng tro bay hết nhưng buổi sáng ngủ dậy mắt gai gai, nhặm nhặm, nhìn xa cũng không rõ lắm. Cùng cảnh như ông Ngộ, ông Nguyễn Đức Hải (71 tuổi, ở xã ĐăkHLơ) cũng được chỉ định mổ đục thủy tinh thể cả hai mắt. Sau khi mổ, mắt không những không cải thiện mà còn khô, ngứa, lèm nhèm, rất khó chịu. Ông Hải chia sẻ, hai mắt của ông đều yếu, mắt trái bị tổn thương do chiến tranh cách đây 48 năm, mắt phải bị teo võng mạc giác màu trong đáy mắt do vi rút đau mắt đỏ gây nên. Trước đây, ông có khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược – Hoàng Anh Gia Lai và được các bác sỹ chuyên khoa mắt cho biết mổ cũng không cải thiện được. Nhận được thông tin Hội Người cao tuổi báo có Đoàn bác sỹ Bệnh viện Mắt Cao Nguyên về khám mắt từ thiện,ông đến khám thử. Khi lên đến nơi, ông được hướng dẫn về lấy bảo hiểm y tế và chứng minh nhân dân. Sau khi khám, những người được mổ sẽ được đánh dấu vào tay rồi chuẩn bị đồ đạc lên xe. Lên đến bệnh viện khám lại, ông được đánh dấu mổ đục thủy tinh thể cả hai mắt, trong khi bệnh được khám trước đó không phải là bệnh này. Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Phích, Chủ tịch UBND xã ĐắkHLơ cho biết: Sau khi nhận được văn bản của cấp trên cho phép hai Bệnh viện mắt về xã tổ chức khám miễn phí, nhân đạo, địa phương đã rất tích cực phối hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con có bệnh về mắt được khám, điều trị. Qua hai buổi khám từ thiện, hai bệnh viện đã chỉ định mổ cho 52 trường hợp, trong đó Bệnh viện Mắt Cao Nguyên mổ 39 bệnh nhân. Trong tổng số người được mổ, khoảng 5 - 6 trường hợp bị biến chứng. Xã đã chỉ đạo trạm y tế báo cáo kết quả. Bệnh viện mắt Cao Nguyên đã cử đại diện lãnh đạo, bác sỹ về thăm và tìm cách điều trị, khắc phục những biến chứng này. Theo số liệu từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai, trong 6 tháng đầu năm 2019, Bệnh viện Mắt Cao Nguyên đã đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hơn 24 tỷ đồng, trong khi dự toán giao cho Bệnh viện này cho cả năm 2019 chỉ hơn 18 tỷ đồng. Theo đó, Bệnh viện Mắt Cao Nguyên đã khám chữa bệnh ngoại trú cho gần 13.500 bệnh nhân, nội trú cho hơn 4.600 bệnh nhân, trong đó có số lượng lớn là bệnh nhân được thu dung từ các trương trình khám từ thiện nhân đạo của bệnh viện. Về phía Bệnh viện Mắt quốc tế Sài Gòn - Gia Lai, kinh phí được giao 17 tỷ nhưng đã sử dụng 14 tỷ, tuy chưa vượt nhưng đó là con số khá cao trong 6 tháng đầu năm. Trước việc hai cơ sở y tế chi trả chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng đột biến thời gian qua, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai Lê Quốc Khánh cho biết, qua tổng hợp hồ sơ, số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh gia tăng tại hai bệnh viện mắt này có dấu hiệu bất thường. Tổ chức đi khám nhân đạo nhưng trong quá trình khám lại chọn những người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế quyền lợi cao, được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả 100%, rồi bố trí xe đưa đón người bệnh lên phẫu thuật. Bệnh viện nếu có ý làm từ thiện, nhân đạo đúng nghĩa sẽ hướng dẫn người bệnh đến nhiều cơ sở y tế khác nhau, có thể là bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh hoặc các tuyến khác để đều trị chứ không nên bắt buộc phải đến bệnh viện của mình. Việc bố trí xe đến đưa đón bệnh nhân miễn phí cũng là biểu hiện “thu gom” người bệnh. "Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai đã nắm được tình hình và phối hợp cùng Sở Y tế tiến hành thanh tra việc khám chữa bệnh tại hai bệnh viện này. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ tổ chức giám định tại nơi cư trú và nơi công tác để theo dõi các trường hợp bệnh nhân này. Bệnh viện Mắt Cao Nguyên và Bệnh viện Mắt quốc tế Sài Gòn – Gia Lai ký hợp đồng khám chữa bệnh với Bảo hiểm xã hội tỉnh nên bệnh nhân có nhu cầu đến khám chữa bệnh tại hai bệnh viện này vẫn khám chữa bệnh bình thường và được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả", ông Khánh cho biết thêm. Trả lời thông tin phản ánh về tình trạng vượt chi bảo hiểm y tế tại hai cơ sở y tế trên, Bác sỹ Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho rằng, việc vượt chi của hai bệnh viện rất đột biến so với tất cả các cơ sở y tế khác. Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ giám định lại tất cả hoạt động khám chữa bệnh của hai đơn vị này. Theo ông Tuấn, việc khám chữa bệnh nhân đạo của hai bệnh viện mắt là phù hợp với xu hướng của xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai một cách vội vã, nhanh chóng; khi tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo yêu cầu người dân phải mang theo chứng minh nhân dân và thẻ bảo hiểm y tế chưa phù hợp với nội dung của chương trình khám chữa bệnh nhân đạo. Người dân khi đến khám chữa bệnh nhân đạo sẽ được miễn phí hoàn toàn. Việc trình chứng minh nhân dân và thẻ bảo hiểm y tế là hoàn toàn không cần thiết. Vì thế, Sở Y tế sẽ tiếp tục rà soát để làm rõ quá trình khám chữa bệnh liên quan đến bảo hiểm y tế của hai bệnh viện mắt có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của người dân - ông Tuấn khẳng định.
Nguyễn Hoài Nam