Chỉ muốn sử dụng lao động trẻ
Sự việc Công ty Honda Việt Nam tại Vĩnh Phúc hàng năm cho hơn 40% lao động nghỉ việc, với lý do không đáp ứng được yêu cầu công việc, là một cảnh báo về thực trạng đáng báo động là nhiều doanh nghiệp tại các KCN - KCX chỉ muốn sử dụng lao động trẻ, “né tránh” những lao động trung tuổi.
Tình trạng trên cũng khá phổ biến ở các KCN - KCX các tỉnh phía Bắc. Làm việc tại Công ty Canon Việt Nam (KCN Bắc Thăng Long) được 4 năm, chị Nguyễn Thị Hiền đã bị công ty cho nghỉ việc với lý do hết hợp đồng lao động. “Công ty có giải thích là tôi không đáp ứng được yêu cầu công việc; nhưng ai cũng hiểu là vì lý do tuổi tác. Chúng tôi đã quá quen với chính sách tuyển dụng dễ dàng và cho nghỉ việc cũng dễ dàng từ phía các doanh nghiệp, nhất là với những lao động đã có tuổi”, chị Nguyễn Thị Hiền cho biết.
Nhiều doanh nghiệp muốn tuyển lao động trẻ để tận dụng sức trẻ, chi phí thấp
|
“Có muôn vàn lý do để công ty sa thải, đơn cử là cộng dồn 3 lỗi sai phạm như đi muộn, đi vệ sinh quá giờ... Tổ trưởng, trưởng phòng cũng ký quyết định sa thải, cho nghỉ việc vì những lý do không rõ ràng... Trước tôi cũng làm việc tại doanh nghiệp liên doanh, cũng bị lấy cớ công ty không phát triển được nên cho nghỉ việc”, chị Nguyễn Thị Nhàn, Cụm công nghiệp huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết.
Còn với doanh nghiệp tại các KCN - KCX Thành phố Hồ Chí Minh, lý do được đưa ra để không tuyển lao động lứa tuổi 35 là sức khỏe giảm sút, không thể tăng ca thường xuyên, không đáp ứng nhu cầu làm việc theo dây chuyền... Cách đây 5 năm chị Lê Thị Út (ngụ ở Phước Long A, quận 9) phải nghỉ việc tại một công ty may mặc trong KCX Linh Trung 1 (quận Thủ Đức). “Việc trong công ty là làm theo dây chuyền, nên phải đứng cả ngày, nhiều hôm tăng ca từ sáng tới tối mới được nghỉ. Nhưng tôi cũng không dám nghĩ tới việc nghỉ việc, vì rất khó xin việc do ít đơn vị tuyển lứa tuổi này. Tuy nhiên, chính doanh nghiệp đã quyết định sa thải tôi vì lý do tuổi tác”, chị Út cho biết.
“Quy định không tuyển lao động trên 35 tuổi là quy định bất thành văn trong giới doanh nghiệp”. Ông Trần Công Khanh, Chánh văn phòng của Ban quản lý KCX - KCX TP Hồ Chí Minh |
Theo thống kê của Ban quản lý KCN - KCX tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, độ tuổi từ 35 tuổi rất khó xin việc làm bởi hiệu quả làm việc không cao, sức khỏe yếu, mắt mờ, chậm chạp... Vì vậy, các doanh nghiệp khi tuyển lao động thường đăng tuyển ưu tiên lao động tuổi từ 18 - 30 tuổi.
Cán bộ nhân sự một số doanh nghiệp cũng thừa nhận, khi đã bước qua tuổi 35 đối với nữ và khoảng 40 tuổi đối với nam, họ sẽ khó khăn để tìm việc mới, đặc biệt là với lao động phổ thông trong những ngành cần sức khỏe nhiều hơn là kỹ thuật. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực lao động TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thực tế thị trường lao động có hiện tượng nhiều doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động chỉ tuyển lao động phổ thông tuổi đời rất trẻ (18 - 35 tuổi) và đào tạo ngắn hạn, chỉ để đảm nhiệm một công đoạn trong quá trình hoàn thành một sản phẩm”.
Theo các chuyên gia, phần lớn doanh nghiệp FDI vào các KCN - KCX chủ yếu ở lĩnh vực cần sử dụng nhiều lao động như gia công, lắp ráp nên không đòi hỏi cao về chất lượng. Sau khi tuyển dụng, doanh nghiệp chỉ cần hai tuần để đào tạo là lao động đã làm được việc. Vì vậy, quá trình tuyển dụng - sa thải này sẽ diễn ra liên tục và nhanh chóng như một cách thức để doanh nghiệp tránh các chi phí về tăng lương, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp.
Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: “Đây là quy luật thay thế lao động cũ bằng lao động mới của giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa; sử dụng lao động chi phí giá rẻ, sung sức hơn. Đối tượng bị cho nghỉ việc ở tầm 37 - 38 tuổi sẽ xuất hiện nhiều hơn tại các KCN - KCX và sẽ là gánh nặng với thị trường lao động Việt Nam. Những người lao động tầm tuổi đó sẽ ở tình trạng bảo hiểm xã hội (BHXH) đóng ít, không có nhà ở, không có nghề, lương thấp không lo được cuộc sống”.
“Mặc dù các doanh nghiệp thường xuyên cho rằng tình trạng thị trường lao động luôn khan hiếm lao động, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì một nguyên tắc chung là không tuyển dụng lao động lớn tuổi (quá 35 tuổi) để không ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy đang có nghịch lý trong tuyển dụng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực theo quy định pháp luật lao động và mất cân đối cung - cầu thị trường lao động luôn thể hiện tình trạng vừa thừa vừa thiếu”, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Trở lại vụ việc ở Công ty Honda Việt Nam, theo ông Trần Việt Cường, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Phúc, sau sự việc cho lao động nghỉ việc tại Honda Việt Nam, liên ngành đã tiến hành rà soát việc sử dụng lao động tại các doanh nghiệp tại KCN trên địa bàn. Qua khảo sát, doanh nghiệp cho nghỉ việc từ 1/4 cho đến1/2 tổng số lao động mỗi năm là khá phổ biến và có tuyển dụng với số lượng tương ứng, nhưng tất nhiên ở độ tuổi trẻ hơn nhiều.
Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lao động xã hội (Bộ LĐTBXH):
Chủ động tham gia đào tạo nghề cơ bản “Người lao động cần chủ động tham gia đào tạo nghề cơ bản, để chuẩn bị cho việc chuyển đổi nghề khi gặp rủi ro. Qua nghiên cứu làm bản tin thị trường lao động, chúng tôi nhận thấy việc chuyển đổi việc làm sẽ diễn ra thường xuyên. Hiện về mặt chính sách, Nhà nước có chương trình đào tạo lại cho người thất nghiệp để có thêm điều kiện học nghề. Tuy nhiên, người lao động chỉ muốn nhận tiền thất nghiệp chứ chưa muốn học nghề. Do đó, khi triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp, các trung tâm dịch vụ việc làm và đơn vị chức năng, hội đoàn thể triển khai hiệu quả hơn chương trình dạy nghề. Độ tuổi 35 tuổi không phải là quá già và vẫn phải chuyển đổi nghề khi thất nghiệp”. Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH: Sẽ rà soát lại hệ thống pháp luật Luật Lao động 2012 không có quy định nào để doanh nghiệp cho nghỉ hàng loạt lao động có tuổi. Tuy nhiên vẫn có trường hợp như tái cơ cấu sản xuất. Hiện tượng cho công nhân nghỉ việc như công ty Honda khiến cơ quan quản lý Nhà nước cần phải rà soát xem những điểm nào chưa phù hợp phải hạn chế tình trạng này. Thực tế việc triển khai Luật Lao động trong thời gian qua có khe hở để doanh nghiệp lợi dụng, Bộ LĐTBXH sẽ phải rà soát hệ thống pháp luật liên quan đến lao động để bổ sung trong đợt sửa đổi Luật Lao động 2012. |