Trang phục của phụ nữ Thái đen (Mường La, Sơn La). Ảnh: Đêu Chính Tới - TTXVN |
Ông Định cũng cho biết thêm, ở Yên Bái, nghệ thuật xòe Thái được tổ chức biểu diễn khá thường xuyên. Ngoài biểu diễn trong đời sống sinh hoạt cộng đồng, tỉnh Yên Bái cũng khuyến khích phát triển loại hình nghệ thuật này thông qua việc tổ chức các chương trình quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân và du khách cùng tham gia. Hàng năm, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Yên Bái căn cứ vào kế hoạch và chỉ đạo của UBND tỉnh tổ chức nhiều hoạt động lễ hội gắn với nghệ thuật xòe Thái. Đặc biệt, vào tháng 10 hằng năm, Yên Bái tổ chức Ngày hội Văn hóa Mường Lò, trong đó, nghệ thuật xòe Thái luôn được coi là một điểm nhấn quan trọng trong lễ hội.
Trang phục của phụ nữ Thái trắng ở Quỳnh Nhai (Sơn La). Ảnh: Điêu Chính Tới - TTXVN |
Tỉnh Yên Bái luôn tạo điều kiện, khuyến khích tổ chức biểu diễn xòe Thái trong cộng đồng, nhất là tại những huyện, thị xã có đông đồng bào Thái sinh sống như ở Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Mù Cang Chải… Đặc biệt, loại hình nghệ thuật này còn được biểu diễn phục vụ các hoạt động du lịch, giao lưu văn hoá… Thị xã Nghĩa Lộ là nơi tập trung đông cộng đồng người Thái. Đây cũng là một trong những nơi còn lưu giữ nguyên vẹn những nét đặc sắc và là nơi nghệ thuật xòe Thái được biểu diễn thường xuyên trong các buổi sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Hiện ở Nghĩa Lộ có 60 câu lạc bộ và 40 lớp truyền dạy các điệu xòe cổ của người Thái. Các câu lạc bộ và lớp học này được hỗ trợ kinh phí từ địa phương và từ các nguồn xã hội hóa với mục đích cùng chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật này.
Đội văn nghệ xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ảnh: Điêu Chính Tới - TTXVN |
Nghệ thuật xòe Thái gắn liền với đời sống của đồng bào Thái, trong các lễ hội cộng đồng, tang ma, các cuộc liên hoan văn nghệ, kết bạn, giao lưu… Xòe Thái đã được trao truyền và bảo tồn khá nguyên vẹn qua hàng trăm năm với nhiều hình thái khác nhau: Xòe dùng trong sinh hoạt cộng đồng để biểu cảm và kết giao bạn bè; xòe để diễn đạt các ý tưởng về cội nguồn tâm linh… Ngoài các điệu múa như: Xòe quạt, xòe khăn, xòe nón, xòe quả nhạc, người Thái còn rất nhiều những điệu xòe mang tên những sự việc, nội dung, đạo cụ như: xòe chan khon, xòe kếp phắc, xòe kếp bók… Với những nét đặc trưng độc đáo, lại được các thế hệ người Thái bảo tồn và phát triển, xòe Thái đã thực sự trở thành tài sản văn hóa, là sợi dây gắn kết cộng đồng.
Múa xòe trong dịp Tết cổ truyền dân tộc của người dân bản Pát, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La. Ảnh: Điêu Chính Tới - TTXVN |
Nghệ thuật xòe Thái đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2013 và được Chính phủ đồng ý cho xây dựng hồ sơ quốc gia trình UNESCO để xét duyệt vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2018. Tỉnh Yên Bái được đăng cai xây dựng hồ sơ; tỉnh đang nỗ lực phối hợp với Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, 3 tỉnh vùng Tây Bắc cùng có di sản này là Điện Biên, Lai Châu, Sơn La triển khai các hoạt động bảo tồn và hoàn tất hồ sơ trình UNESCO công nhận loại hình nghệ thuật độc đáo này trong danh sách các di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia cũng đang phối hợp với Cục Di sản Văn hóa để tư vấn, hỗ trợ, hoàn thiện đề án xây dựng hồ sơ trình UNESCO.
Nếu nghệ thuật xòe Thái được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ góp phần nâng cao tầm nhìn đối với loại hình nghệ thuật này ở tầm quốc gia và quốc tế; qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương trong việc tiếp tục lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc trong vốn văn hoá truyền thống của cộng đồng người Thái nói riêng, tính đa dạng, đậm đà bản sắc của văn hóa Việt Nam nói chung. Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của loại hình nghệ thuật này, để xòe Thái trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Yên Bái nói riêng và vùng văn hoá Tây Bắc của đất nước nói chung./.