Tỉnh Hà Nam vừa có thêm 4 di tích, danh thắng được công nhận là di tích và danh thắng quốc gia. Cùng với công tác bảo tồn, tỉnh đẩy mạnh quản lý và phát huy giá trị, góp phần phát triển du lịch, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân.
Các di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia gồm: Căn cứ địa Lạt Sơn, Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Nam Cao. Các danh thắng được công nhận là Bát Cảnh Sơn và quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc.
Quần thể di tích lịch sử Căn cứ địa Lạt Sơn gồm: Đền Lê Chân, Động Thánh Chân và núi Giát Dâu, thuộc địa phận xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng. Đây là nơi ghi dấu các sự kiện lịch sử vừa là nơi thờ phụng, tôn vinh, tưởng nhớ công lao của nữ tướng Lê Chân. Sau khi bà hy sinh trong cuộc chiến chống quân Đông Hán năm 43, nhân dân nơi đây đã lập ban thờ bà ngay tại chân núi Giát Dâu. Đến năm 1671, nhân dân dựng chùa thờ bà trên cơ sở của Động Tiên Thánh Chân, lập đền thờ nữ tướng Lê Chân tại điểm đầu của Căn cứ Lạt Sơn.
Sau nhiều lần tu sửa nhỏ lẻ, đến năm 2006, Ban Quản lý di tích địa phương tích cực kêu gọi xã hội hóa nguồn lực từ nhân dân, đã tôn tạo lại điểm di tích. Trong thời gian tới, sau khi nhận được công nhận di tích cấp quốc gia, chính quyền địa phương và nhân dân nơi đây tiếp tục khôi phục các lễ hội truyền thống, phát huy giá trị của di tích.
Ông Dương Hồng Ngàn, Trưởng Ban Quản lý địa phương quần thể di tích lịch sử Căn cứ địa Lạt Sơn chia sẻ: Chúng tôi luôn có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn di tích. Vì chúng tôi là những người được lựa chọn tiếp nối nhiệm vụ của cha ông để phát huy được hết các giá trị văn hóa của di tích mang lại.
Khu tưởng niệm Nhà văn, Liệt sỹ Nam Cao được xây dựng ngay trên mảnh đất quê hương ông - làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, là nơi lưu giữ những hiện vật gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Nhà văn. Khu tưởng niệm có tổng diện tích là 5.460m2 bao gồm lăng mộ, Nhà tưởng niệm, vườn cây và hồ nước. Năm 2001, Nhà tưởng niệm Nhà văn, Liệt sỹ Nam Cao được xây dựng và hoàn thành 2004, được sắp đặt lại theo 4 mảng gồm: Quê hương và gia đình Nhà văn Nam Cao; cuộc đời và sự nghiệp của Nhà văn Nam Cao; tìm lại Nam Cao và những hoạt động tưởng niệm, tôn vinh Nhà văn Nam Cao.
Quần thể di tích danh thắng Bát Cảnh Sơn tại Xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, vừa được công nhận là danh thắng quốc gia, là một địa danh nổi tiếng gắn với cuộc đời và sự nghiệp của đức Thiền sư Nguyễn Minh Không - Vị quốc sư thời Lý (từ thế kỷ XI) và Đức thánh Tiên Ông (thế kỷ XIII). Bát Cảnh Sơn có 8 ngôi chùa cổ thờ Phật, Bồ Tát và một ngôi miếu thờ thổ địa thần linh, được bài trí, xây dựng theo thuyết bát quái ngũ hành tương sinh và nơi hội tụ, giao thoa của những giá trị văn hóa dân tộc. Nơi đây còn bảo lưu nhiều huyền tích, truyền thuyết dân gian đặc sắc, các di vật, hiện vật cổ quý hiếm, góp phần bổ sung cho việc nghiên cứu, lịch sử văn hóa tỉnh Hà Nam nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.
Để bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch tâm linh, huyện Kim Bảng đã khoanh vùng bảo vệ khu vực Bát Cảnh Sơn với diện tích 80ha, bảo tồn cảnh quan, tu bổ tôn tạo di tích hiện có và từng bước khôi phục lại những di tích đã hư hại. UBND huyện chỉ đạo các địa phương có di tích, danh thắng để tìm những cách làm hay, sáng tạo, huy động sức mạnh toàn dân trong việc gìn giữ, phát huy di sản văn hóa địa phương. Ông Phạm Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng cho biết, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ thành lập các ban quản lý tại các xã có di tích và tăng cường tuyên truyền đối với người dân và các tập thể để bảo về các khu di tích quốc gia, đặc biệt là các vùng lõi của di tích.
Cùng với các di tích, danh thắng vừa được công nhận, Hà Nam còn có 27 di tích cấp quốc gia, hai di tích quốc gia đặc biệt và 64 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. UBND tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương đẩy mạnh vận động, tuyên truyền nhân dân đóng góp để bảo tồn, bảo vệ di tích, di sản văn hóa trên địa bàn theo phân cấp quản lý, qua đó phát huy giá trị di tích, di sản, phục vụ phát triển văn hoá, du lịch, kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo ông Đỗ Văn Hiến, Giám đốc Bảo tàng Hà Nam, thời gian tới, để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đạt được hiệu quả cao, việc bảo tồn phải tuân thủ triệt để các quy định của quốc tế và trong nước, tránh tác động nhiều vào di tích và cố gắng duy trì, bảo tồn nguyên trạng di tích. Đồng thời, khai thác có hiệu quả giá trị các di sản văn hóa để phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc số hóa di sản văn hóa phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Tỉnh lập quy hoạch các di tích trọng điểm, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội.
Đại Nghĩa