Người dân bức xúc vì ô nhiễm Xưởng chế biến cà phê của Hợp tác xã xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh, đóng tại bản Pom Sản, xã Mường Chanh (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 9/2017. Đây cũng là khoảng thời gian mà người dân một số bản của xã Mường Chanh phải sống chung với mùi hôi thối quanh khu vực cơ sở chế biến cà phê Mường Chanh. Cùng với đó là tiếng ồn của nhà xưởng hoạt động cả ngày lẫn đêm và khói bụi trong quá trình sơ chế cà phê.
Bể chứa nước thải của cơ sở chế biến cà phê ở xã Mường Chanh. Ảnh: baosonla.org.vn |
Qua tìm hiểu, nước thải sơ chế cà phê của xưởng chế biến cà phê Mường Chanh được chứa ở hai hồ trong xưởng. Sau khi hai hồ này đầy sẽ được bơm lên một hồ chứa rất lớn có dung tích hàng nghìn mét khối cách xưởng khoảng 200m. Hồ nước này trước đây vốn được người dân các bản xã Mường Chanh đấu thầu để nuôi cá. Nhưng từ tháng 9/2017 đến nay, hồ đã được sử dụng để làm nơi xả nước thải của xưởng chế biến cà phê Mường Chanh. Điều đáng nói là nước thải từ hồ này không qua xử lý mà hàng ngày vẫn chảy thẳng ra cánh đồng của người dân qua cống xả đáy. Điều này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây. Anh Hà Văn Chiến, bản Pom Sản, xã Mường Chanh bức xúc, từ ngày xưởng chế biến cà phê Mường Chanh hoạt động thì rất ô nhiễm, mùi nước thải rất khó chịu, trong khi đó bao nhiêu hộ xung quanh đều bị ảnh hưởng, nhất là người già đang ốm yếu. Mọi người rất bức xúc nhưng chẳng biết kêu ai. Ông Lò Văn Bok, Chủ tịch UBND xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn cho biết, việc xả nước thải sơ chế cà phà trực tiếp ra kênh mương của Xưởng chế biến cà phê Mường Chanh là không chấp nhận được. Xã sẽ báo cáo với Phòng Tài nguyên và Môi trường cũng như UBND huyện Mai Sơn để có biện pháp xử lý. Còn xã không có thẩm quyền yêu cầu Xưởng chế biến cà phê Mường Chanh ngừng hoạt động.Nguồn nước sạch bị ảnh hưởng nghiêm trọng Còn tại mương nước Tàng Trạng – nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân một số bản trên địa bàn xã Mường Chanh, dòng nước đã chuyển màu đen kịt và bốc mùi hôi thối từ khi Xưởng chế biến cà phê Mường Chanh đi vào hoạt động. Anh Tòng Văn Năm, Trưởng bản Bon, xã Mường Chanh phản ánh, người dân rất khó chịu với mùi hôi thối của nước thải sơ chế cà phê. Mương nước này, trước đây còn có cá và người dân vẫn đi bắt cá nhưng bây giờ không còn cá nữa. Tuy nhiên vấn đề nghiêm trọng hơn là mương nước Tàng Trạng lại đổ vào dòng suối Nặm Chanh chạy dài đến địa phận xã Hua La (thành phố Sơn La). Tại đây, nguồn nước ô nhiễm từ dòng Nặm Chanh lại hòa vào suối Nặm La - nơi có Trạm cấp nước số 2 của thành phố Sơn La đang hoạt động. Điều này, đã dẫn đến tình trạng dòng suối Nặm La cũng bị ô nhiễm theo. Do đó, từ ngày 18/11/2017 đến nay, Trạm cấp nước số 2 của thành phố Sơn La có công suất 2.500 m3 một ngày đêm đã phải tạm ngừng cấp nước do ô nhiễm từ việc sơ chế cà phê. Từ thực tế này, nguy cơ về tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Sơn La đã tiếp tục tái diễn.
Người dân thành phố Sơn La đi lấy nước từ mó nước về sử dụng, do nguồn nước bị ô nhiễm bởi nước thải sơ chế cà phê tại đầu nguồn. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN |
Ông Bùi Văn Đính, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Sơn La cho biết, nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm chính là chất thải sơ chế cà phê trên đầu nguồn. Qua nhiều lần kiểm tra, đơn vị đã phát hiện trên đầu nguồn có nhiều xưởng sơ chế cà phê. Nếu như cả hai nguồn nước mà bị ô nhiễm thì ảnh hưởng trầm trọng đến việc cấp nước trên địa bàn thành phố Sơn La. Trước thực trạng ô nhiễm môi trường một số bản xung quanh Xưởng chế biến cà phê của Hợp tác xã xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh, nhiều hộ dân ở bản Pom Sản đã làm đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương. Xã Mường Chanh cũng đã có kết luận, yêu cầu Hợp tác xã xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nhưng tình trạng này chưa được xử lý kịp triệt để và dẫn đến những hậu quả như hiện nay. Ông Nguyễn Thanh An, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn cho biết, ngay khi trên thành phố Sơn La có hiện tượng nguồn nước bị ô nhiễm, chúng tôi đã thông tin với xã Mường Chanh để kiểm tra vấn đề này. Tuy nhiên, chính quyền xã Mường Chanh báo cáo lại là chỉ có mùi hôi thôi, chứ chưa xảy ra xả thảy nước sơ chế cà phê ra môi trường. Từ tình trạng xả thải trên, nguy cơ ô nhiễm môi trường đã hiển hiện, kéo theo đó là nhiều hệ lụy đối với cuộc sống của người dân và tác động xấu đến môi trường. Nếu không có những giải pháp trước mắt và lâu dài thì mỗi mùa cà phê sẽ là nỗi ám ảnh đối với người dân một số địa phương ở Sơn La.
Nguyễn Cường – Hữu Quyết