“Bằng mọi giải pháp, phải sớm có đủ vaccine tiêm cho trẻ”. Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương về thực hiện mua sắm vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, sáng 10/6, tại Trụ sở Chính phủ.
Đề xuất, trao đổi phương án thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong thời gian qua, thực hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế được giao mua vaccine và cấp phát cho các địa phương theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg về Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 1125).
Từ năm 2020, các nội dung liên quan đến thực hiện Chương trình mục tiêu phải hoạt động lồng ghép vào nội dung chi của các chương trình mục tiêu quốc gia hoặc chương trình chi thường xuyên khác.
Để tránh chuyển giai đoạn đột ngột khi chương trình mục tiêu y tế - dân số kết thúc, năm 2021, Quốc hội đã ban hành Quyết định 129/2020/QH14 về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021. Theo đó, Bộ Y tế được giao dự toán từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện mua sắm để cung ứng vaccine cho tiêm chủng mở rộng và một số thuốc khác như ARV, vitamin A… nên đảm bảo đủ cho năm 2021 và 2022.
“Để triển khai trong năm 2023, Bộ Y tế mong muốn tiếp tục thực hiện việc mua vacicne tiêm chủng mở rộng vì đây là chương trình hiệu quả, thể hiện tính an sinh xã hội đối với trẻ em và phụ nữ, hơn nữa, giữa Bộ Y tế và các địa phương có sự phối hợp nhịp nhàng từ việc mua cung ứng, bảo quản, tổ chức tiêm…”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã làm việc với một số bộ, ngành, địa phương để đề xuất, trao đổi các phương án mua sắm tập trung, đấu thầu, đàm phán giá, đặt hàng, tổ chức thực hiện… vaccine và một số loại thuốc.
Phát biểu trực tuyến tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Dũng nêu những khó khăn liên quan đến vấn đề pháp lý. Theo đó, các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia nên địa phương không có cơ chế thực hiện tự đấu thầu.
Ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, nếu để các địa phương tự đấu thầu thì thời điểm có vaccine sẽ khác nhau, người dân có thể đưa con em từ địa phương này sang địa phương khác để tiêm, ảnh hưởng đến khả năng dự trù của các địa phương. Sự dịch chuyển này sẽ ảnh hưởng đến định hình, lên kế hoạch tiêm chủng.
“Phương án khả thi nhất là Trung ương cấp ngân sách để Bộ Y tế đấu thầu và phân bổ vaccine. Theo đó, chỉ 1-2 tháng là có vaccine, đáp ứng được nhu cầu và giải quyết tình trạng hiện nay”, ông Nguyễn Anh Dũng bày tỏ.
Tương tự, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, đến nay, thành phố đã hết một số loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. “Địa phương không thiếu kinh phí, không sợ trách nhiệm nhưng đang thiếu cơ chế mua sắm”, bà Trần Thị Nhị Hà cho biết và kiến nghị tiếp tục thực hiện cơ chế Bộ Y tế mua sắm, đấu thầu tập trung vaccine và phân bổ, điều phối cho các địa phương.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi đang thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng.
Đề xuất thực hiện đàm phán giá để có vaccine càng sớm càng tốt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng cho hay, hiện, 9/11 loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia còn đủ, đang thiếu hai loại vaccine là vaccine 5 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm phổi, viêm màng não), vaccine 3 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván).
Tháo gỡ bằng được khó khăn, vướng mắc
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn liên quan đển mua sắm vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế, giám đốc các Sở Y tế nêu cao tinh thần trách nhiệm, đề xuất các giải pháp khả thi, tháo gỡ bằng được khó khăn, vướng mắc trong các quy định đấu thầu, mua sắm, đặt hàng, đàm phán giá…
“Bằng mọi giải pháp, phải sớm có đủ vaccine tiêm cho trẻ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao làm việc với các nhà sản xuất, tổ chức quốc tế, một số nước trong khu vực và trên thế giới để tìm kiếm thêm các nguồn vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế ban hành ngay hướng dẫn phòng bệnh, phác đồ chẩn đoán, điều trị cho các cơ sở y tế khi trẻ có thể mắc bệnh do chưa được tiêm vaccine.
Diệp Trương