Bản án nghiêm khắc dành cho hai đối tượng mua bán người qua biên giới

Bản án nghiêm khắc dành cho hai đối tượng mua bán người qua biên giới

Ngày 13/7, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Trần Quang Quyết (sinh năm 2001, trú tại huyện Ia H'Drai, Kon Tum) và Phan Ngọc Đức (sinh năm 1990, trú tại huyện Quỳ Châu, Nghệ An) về tội “Mua bán người” và “Mua bán người dưới 16 tuổi”.

Bản án nghiêm khắc dành cho hai đối tượng mua bán người qua biên giới ảnh 1Đối tượng Trần Quang Quyết (bên phải) và Phan Ngọc Đức tại phiên tòa. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt Trần Quang Quyết 15 năm tù về tội “Mua bán người”, 14 năm tù về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”, tổng hình phạt 29 năm tù và Phan Ngọc Đức 15 năm tù về tội “Mua bán người”, 13 năm tù về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”, tổng hình phạt 28 năm tù.

Theo cáo trạng, khoảng tháng 10/2021, Phan Ngọc Đức qua Campuchia làm việc cho sòng bài. Trong thời gian làm ở đây, Đức đánh nhau, người quản lý đã yêu cầu phải gọi điện thoại cho gia đình gửi tiền chuộc qua. Sau khi được ra ngoài, Đức nghỉ ở chỗ làm nhưng vẫn tiếp tục ở lại bên Campuchia.

Một tháng sau (20/11/2021), Trần Quang Quyết bị lừa bán vào Công ty Game 8KBET. Sau đó, công ty này yêu cầu Quyết gửi tiền chuộc.

Khi được chuộc ra, Quyết quay về Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn, Quyết lại tiếp tục qua Campuchia làm việc cho Công ty App TikTok. Cũng như lần trước, sau khi làm được 2 tháng, Quyết bị đuổi việc. Người quản lý của công ty tên là Phương yêu cầu Quyết gọi điện thoại về nhà gửi tiền chuộc với số tiền 90 triệu đồng. Do gia đình gửi qua được 70 triệu đồng, Phương nói Quyết tuyển người vào công ty để trừ tiền còn nợ. Quyết đồng ý.

Ngày 18/6/2022, Quyết sử dụng tài khoản Facebook mang tên “Bin Trần” kết bạn với tài khoản Facebook mang tên “Lạc Đường” của Cầm Bá Sáu (sinh năm 1995, trú tại làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai). Sau khi kết bạn, Quyết đưa ra thông tin gian dối muốn tuyển Sáu đi làm cho công ty vi tính tại tỉnh Tây Ninh với mức lương từ 18 - 20 triệu đồng/tháng nhưng bị Sáu từ chối. Sau đó, Quyết lại nhờ Sáu tìm người giới thiệu cho mình. Nếu giới thiệu được, công ty sẽ trả hoa hồng 1 triệu đồng/người.

Thấy được trả lương cao và tin tưởng những lời nói đó là thật, Sáu đã gặp Puih Đại ở cùng làng kể lại toàn bộ nội dung trên, đồng thời gọi điện thoại cho Quyết và Đại nói chuyện, trao đổi với nhau. Nghe xong, Đại rủ thêm 4 người ở cùng làng là Puih Chiêu, Puih Môi, Puih Phú, Ksor Juội đi làm và nhận được sự đồng ý.

Sau đó, Quyết thuê một chiếc xe để chở nhóm người của Đại vào Thành phố Hồ Chí Minh theo địa chỉ mà mình đã gửi, rồi trực tiếp gọi Zalo cho Phương nói có 5 người muốn vào công ty làm. Sau đó, Phương cho một người tên Nghĩa (không rõ nhân thân lai lịch) đến gặp và xem người.

Tuy nhiên, khi biết nhóm của Đại là người dân tộc thiểu số, Phương từ chối không nhận. Trong lúc hết tiền để trả cho người chở thuê, Quyết nhờ Nghĩa giới thiệu để đưa nhóm của Đại qua Campuchia. Lập tức, Nghĩa liên lạc qua Zalo cho Phan Ngọc Đức, rồi kết nối để cả hai nói chuyện và thương lượng về giá cả. Do lần đầu làm ăn chung, Đức đã trực tiếp từ Campuchia về Việt Nam để xem người.

Sau khi đồng ý, Đức thỏa thuận trả cho Quyết số tiền 700 USD/người, đưa trước 23 triệu đồng, còn lại sẽ chuyển tiếp khi bán được nhóm người của Đại sang Campuchia. Trên đường đi, nhóm của Đại không đồng ý đi làm nữa nhưng các đối tượng bằng những lời lẽ ngon ngọt như lương cao, làm việc nhẹ, không bị đánh đập… để mục đích dụ dỗ cho bằng được.

Đến Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Đức đi qua Campuchia bằng đường chính ngạch, nhóm của Đại được Nguyễn Hồng Phong (sinh năm 1973, trú tại phường Vĩnh Quang, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang - do Đức thuê) đưa qua Campuchia bằng đường tiểu ngạch với mức giá 12 triệu/người.

Sau khi nhận người, Đức đưa nhóm của Đại đi ngay đến Công ty Verus giao cho quản lý (không rõ nhân thân lai lịch) và lấy 10.000 USD.

Trong thời gian này, ở làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, hai người là Puih Thái và Ksor Liẽc khi hay tin nhóm của Đại đi làm cho công ty vi tính ở Thành phố Hồ Chí Minh được trả lương cao nên nhờ Sáu liên hệ giúp. Với thủ đoạn tương tự, Quyết và Đức phối hợp với nhau rồi thuê Phong đưa người qua Campuchia. Do hai nạn nhân sập bẫy lần này không biết chữ, không biết sử dụng máy tính, Quyết chỉ nhận được thù lao 3.000 USD từ người quản lý của công ty Verus.

Khoảng 21 giờ ngày 22/6/2022, Đại, Thái thông qua mạng xã hội, liên tục lén lút để gọi về cho gia đình để thông báo cả nhóm bị lừa bán sang Campuchia, bị đánh đập, ngược đãi rất khổ sở. Công ty yêu cầu phải gửi tiền chuộc150 triệu đồng/người.

Ngày 2/7/2022, Puih Thái thông qua mạng xã hội Facebook gọi điện thoại về nhà nói gia đình gửi 90 triệu đồng để chuộc thân. Puih Phú và 30 người khác lợi dụng sự mất cảnh giác của bảo vệ nên đã trốn thoát được ra ngoài liền sử dụng Google Map tìm đường về Việt Nam.

Những ngày sau đó, Đại tiếp tục gọi về nói gia đình gửi tiền qua Campuchia để chuộc Đại, Chiêu, Môi, Liẽc và Juội với số tiền 65 triệu đồng/người. Các gia đình nạn nhân phải đi vay mượn tổng số tiền 325 triệu đồng nhờ người gửi qua để chuộc các nạn nhân này ra. Cùng thời gian đó, cả nhóm khi đang vượt biên đã bị Cảnh sát Campuchia bắt được. Vì không có giấy tờ, mỗi người bị phạt 3,5 triệu đồng. Thêm một lần nữa, nhóm của Đại lại nhờ gia đình vay mượn để chuyển tiền đóng phạt.

Nhận được thông tin từ người nhà của các nạn nhân trình báo, cơ quan chức năng Việt Nam đã hỗ trợ đưa các nạn nhân về. Chị gái của Đại và Sáu đã đi trình báo sự việc lên Đồn Biên phòng Ia O.

Biết không thể thoát tội, Đức và Quyết đã đến các cơ quan chức năng ở địa phương đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội của mình. Trong số 7 nạn nhân, Puih Phú là người chưa đủ 16 tuổi.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm