Với tâm niệm cứu người là giúp mình, hiến máu như “gieo hạt” sức khỏe, gần 10 năm qua, chàng thanh niên trẻ Lê Bá Huỳnh Đức (sinh năm 1997, tại huyện Krông Búk, Đắk Lắk) đã có 65 lần hiến máu và tiểu cầu cứu người. Anh trở thành một trong 20 gương mặt “Thanh niên sống đẹp” năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương.
Sống là để cho đi
Là bác sỹ trẻ đang công tác tại Khoa răng hàm mặt, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (thành phố Buôn Ma Thuột), anh Lê Bá Huỳnh Đức đã chia sẻ về những cơ duyên khi biết đến hiến máu và hành trình trao đi giọt màu hồng, góp phần cứu được tính mạng, sức khỏe của người bệnh. Theo anh Đức, anh biết đến và tham gia hiến máu lần đầu vào năm 2013, khi đang là học sinh lớp 11. Tại chương trình Hành trình đỏ do tỉnh Đắk Lắk tổ chức, ban đầu anh chỉ đăng ký theo đoàn để hỗ trợ. Khi thấy các anh chị tình nguyện viên hiến máu, anh cũng xin tham gia. “Lần đầu tiên hiến máu, mình bị mệt. Thế nhưng, niềm vui khi sẻ chia được giọt máu để giúp người, giúp đời, đã tiếp thêm động lực để mình tiếp tục hiến máu”, anh Lê Bá Huỳnh Đức chia sẻ.
Kỷ niệm khiến anh Đức nhớ nhất là vào năm 2020 khi cả nước đang chống chọi với COVID-19, anh đang là sinh viên năm thứ 5 của Trường Đại học Y dược Huế. Trong đại dịch, lượng bệnh nhân cần máu nhiều. Tuy nhiên, để được vào Bệnh viện Trung ương Huế hiến máu phải là sinh viên ngành Y. Thời điểm ấy, anh Đức cùng một số bạn trong trường đã lập thành một nhóm, thay phiên nhau cứ khoảng 2 tuần/lần vào bệnh viện hiến máu.
“Chúng mình vừa đi học trên trường, tham gia công tác phòng, chống dịch và thay phiên nhau hiến máu cứu người bệnh. Trải qua một năm, bệnh viện tổng kết lại là cá nhân mình hiến được 20 lần. Mình thấy bất ngờ và tự hào vì không ngờ trong một năm, mình có thể giúp được nhiều người”, anh Đức chia sẻ.
Với quan niệm “tuổi trẻ thì cứ hết mình”, “sống là để cho đi”, đến nay, chàng trai 26 tuổi, mang nhóm máu B+ đã 65 lần hiến máu và tiểu cầu. Cứ như vậy, gần 10 năm qua, ai cần máu là anh có mặt. Để hiến được tiểu cầu cần điều kiện nghiêm ngặt như nam từ 60 kg, sức khỏe tốt, ven lớn… Do đó, anh luôn biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân.
“Khi bước chân vào trường y, chúng mình luôn đặt sức khỏe của bệnh nhân lên hàng đầu. Mặc dù công việc bận rộn, nhưng mình được đào tạo kỹ năng chăm sóc bản thân, ăn uống điều độ, chế độ ăn đặc biệt hơn, để không chỉ hiến máu được mà chất lượng máu cũng cần phải tốt” - anh Đức tâm sự.
Lan tỏa tình yêu thương
Từ ngày có duyên với sứ mệnh này, anh Đức luôn sẵn sàng lên đường bất cứ khi nào. Ban ngày, anh bận rộn với niềm đam mê làm bác sỹ tại bệnh viện. Tối đến, khi có ca bệnh cần, anh sẵn sàng hỗ trợ.
Trường hợp của bệnh nhân L.Đ.X (tại huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) bị nhiễm trùng máu, nguy kịch cần tiểu cầu vào cuối tháng 6/2022. Đây là lần duy nhất người nhà chủ động liên lạc với anh Đức để nhờ hỗ trợ. Ngay trong đêm, anh đến ngay bệnh viện làm thủ tục hiến. Khi mọi việc hoàn tất, về đến phòng cũng gần 3 giờ sáng.
Chị Lê Thị Thúy Hằng (con gái bệnh nhân) cho biết, khi bố chị đang trong giai đoạn nguy kịch, bạn Đức đã không quản ngại giữa đêm nhiệt tình hỗ trợ hiến tiểu cầu. Nhờ lượng máu kịp thời, lúc đó, sức khỏe của bố chị đã ổn hơn. Tuy nhiên, sau đó tình hình của bác xấu đi. Đến nay, bác đã mất được hơn một năm. Gia đình cảm ơn Đức về những hỗ trợ ngay lúc nguy cấp.
“Bất cứ khi nào người bệnh nhận được máu đều nói lời cảm ơn. Tuy nhiên, câu lạc bộ có quy định không cho tình nguyện viên liên hệ riêng với người nhà để tránh tình trạng quà cáp. Mình hiến với mục đích muốn cứu chữa cho người bệnh chứ không mong có đền đáp”, anh Đức chia sẻ.
Anh Đức đang đảm nhiệm vai trò Phó Ban điều phối Câu lạc bộ Hiến máu Khu vực Tây Nguyên. Câu lạc bộ có ngân hàng tiểu cầu, với khoảng 250 thành viên. Khi có ca bệnh cần máu, anh liên hệ với tình nguyện viên, hỗ trợ các bạn tham gia. Đảm nhận vai trò điều phối, anh thường xuyên đăng bài kêu gọi mọi người. Nhờ đó, số lượng thành viên trong câu lạc bộ đã tăng thêm. Mỗi thành viên đều đăng ký nhóm máu, số điện thoại để khi bệnh nhân cần, câu lạc bộ sẽ hỗ trợ liên hệ người hiến máu cho người bệnh.
Nói về những dự định trong tương lai, anh Đức chia sẻ, ước mơ từ nhỏ của anh là muốn được làm giáo viên hoặc bác sỹ. Anh vừa tham gia kỳ thi Thạc sỹ tại Đại học Y Cần Thơ. Anh mong muốn có thể làm giảng viên, vừa phát triển chuyên môn, vừa có thể lan tỏa năng lượng tích cực cho nhiều người hơn.
Theo anh Y Lê Pas Tơr, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, anh Lê Bá Huỳnh Đức đã có nhiều đóng góp trong công tác Đoàn và phong trào tình nguyện của địa phương. Anh đã tham gia nhiều đợt, nhiều hoạt động, các chương trình thiện nguyện của trường, hội sinh viên… Qua đó, anh được Trung ương Hội sinh viên Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đánh giá cao, được tuyên dương trong thời gian tới.
Lê Bá Huỳnh Đức là một trong số nhiều thanh niên tỉnh Đắk Lắk luôn nỗ lực, nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động phong trào của Đoàn, Hội. Hằng năm, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động an sinh xã hội; qua đó, thể hiện tính xung kích của tuổi trẻ trong việc tham gia giúp đỡ cộng đồng, xã hội. Nhờ đó, các bạn trưởng thành hơn, lan tỏa tinh thần sống đẹp, có ích trong cộng đồng.
Thời gian tới, các cấp Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động, phong trào, nhằm lan tỏa những câu chuyện đẹp; tiếp tục tổ chức hoạt động an sinh xã hội, hướng về người dân, thanh niên hoàn cảnh khó khăn… tổ chức rộng khắp để các thanh niên tham gia nhiệt tình.
Nguyên Dung