Sáng 4/3/2019, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến dự và chủ trì Hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Cụ thể, UBND tỉnh Bạc Liêu đã quyết định xuất nguồn kinh phí hơn 4 tỷ đồng cho công tác này, trước mắt tỉnh xuất 1 tỷ đồng mua thuốc sát trùng, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, bảo hộ y tế… Cùng đó, tỉnh Bạc Liêu nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân nhập lậu vào địa bàn tỉnh. Tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, người chăn nuôi về phòng, chống dịch bệnh; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi. Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu thành lập các đoàn công tác kiểm tra các vùng chăn nuôi tập trung, những nơi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao; hướng dẫn thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; tăng cường kiểm dịch 24/24 tại các trạm kiểm động vật đầu mối giao thông; tăng cường thanh, kiểm tra việc mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn và xử lý nghiêm những vi phạm trong mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định... Theo bà Phạm Thị Thu Oanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Bạc Liêu đã chủ đồng phòng, chống dịch tả lợn châu Phi từ tháng 10/2018. Hiện các giải pháp trên đã được triển khai thực hiện đồng bộ; trong đó địa phương đặc biệt quan tâm hướng dẫn, tập huấn cách phòng, chống dịch bệnh cho các hộ, địa phương có tổng đàn nuôi nhiều, nhất là địa bàn huyện Hồng Dân, Phước Long…và các khu vực, vùng giáp ranh, cửa ngõ ra vào tỉnh. Tuy nhiên, theo bà Oanh phần lớn tổng đàn lợn trên địa bàn nuôi nhỏ lẻ trong dân, hơn nữa lượng lợn ngoài tỉnh nhập vào hoặc đi ngang địa bàn tỉnh khá lớn, trong khi dịch bệnh này không lây qua người nên một bộ phần người dân còn chủ quan. Bạc Liêu có đàn lợn khoảng 249.000 con; trong đó có 23 trang trại nuôi tập trung, với tổng đàn từ 100- 3.000 con/trang trại, số còn lại nuôi nhỏ lẻ trong hộ dân, chuồng trại, khâu chăm sóc, vệ sinh chưa đạt yêu cầu theo quy định; công tác tiêm phòng, phòng bệnh, mua bán, giết mổ còn nhiều bất cập…
Huỳnh Sử