Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Bạc Liêu: Khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em.Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN
Bạc Liêu: Khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em.Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Tỉnh Bạc Liêu đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó huyện Phước Long đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15/49 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; mỗi huyện còn lại ít nhất có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ảnh 1Khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em ở Bạc Liêu. Ảnh: Tuấn Kiệt - TTXVN

Tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động người dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, thi đua xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước của cả nước cũng như của tỉnh Bạc Liêu, thực sự đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa sâu rộng, huy động được sức mạnh toàn dân tham gia cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân đã chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bạc Liêu có 100% xã đạt chuẩn, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 nông thôn mới kiểu mẫu, 100% ấp đạt chuẩn ấp nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Phước Long được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Bạc Liêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Bạc Liêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 đạt từ 9 – 10%; GRDP bình quân đầu người đạt 65,72 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 34.940 tỷ đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 3.263 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn đạt 920 triệu USD...

Trong 10 tháng đầu năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn, song nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, cùng sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được những kết quả quan trọng. Tỉnh đã ban hành các chủ trương, nghị quyết tập trung lãnh đạo trên các lĩnh vực; chỉ đạo chính quyền các cấp cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả. Cụ thể, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy hải sản đạt 371.789 tấn, tăng hơn 8% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 705 triệu đô la Mỹ (tăng hơn 10%); toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 91 sản phẩm được công nhận đạt OCOP. Đặc biệt, toàn tỉnh Bạc Liêu có 8 dự án điện gió hoàn thành hòa vào lưới điện quốc gia với tổng công suất 469,2 MW.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Bạc Liêu xác định hướng đến chất lượng và bền vững, gắn công nghiệp hóa với nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn với đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị, phát triển hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về xây dựng nông thôn mới nâng cấp, nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục thực hiện đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm, phấn đấu có sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, để người dân nhận thức được xây dựng nông thôn mới nâng cao là quyền lợi và trách nhiệm của mình, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tuyên truyền, tạo sự thống nhất trong hành động, nhất là xóa bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; đồng thời vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao thu nhập, phát động phong trào thi đua gắn với thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Các cấp, các ngành, các địa phương chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp một cách cụ thể, đặt quyết tâm chính trị cao nhất, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh; khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tranh thủ cơ hội, tận dụng thời cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tập trung quyết liệt vào các chỉ tiêu còn thấp như: kim ngạch xuất khẩu, GRDP bình quân đầu người, số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế... nhằm hoàn thành, đạt và vượt các chỉ tiêu năm 2022 và những năm tiếp theo.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định, xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, thường xuyên, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc; xây dựng nông thôn mới bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, bền vững, lấy người dân làm chủ thể tham gia và hưởng thụ thành quả của nông thôn mới. Do đó, những vùng quê nông thôn đã xây dựng đẹp thì các địa phương cố gắng nâng cao để trở thành những làng quê đáng sống. Trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao hay nông thôn mới kiểu mẫu, các địa phương cần phải quan tâm đến thu nhập của người dân bởi mục đích cuối cùng khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, đời sống người dân phải được nâng lên.

Chanh Đa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm