Nạo vét kênh thủy lợi tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN |
Những kết quả bước đầu
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 về Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020, cho biết: Đối với việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội đã vận động xã hội hóa cũng như tranh thủ các nguồn Trung ương, ngân sách các cấp được gần 20,5 tỉ đồng. Từ nguồn quỹ này, các hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, sản xuất có hiệu quả góp phần phát triển kinh tế tại địa phương. Các mô hình, dự án được triển khai đã tác động lớn đối với tập quán canh tác, chăn nuôi nhỏ lẻ của hội viên nông dân, cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động nông thôn, cải thiện, nâng cao cuộc sống cho nông dân…
Ban Chỉ đạo Đề án cũng chỉ đạo Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn, tạo điều kiện cho gần 72.600 lượt hộ nông dân tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng khác trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hơn 270 lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư, các mô hình trình diễn, tổ chức hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ về chăn nuôi, trồng trọt, cách phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi; tổ chức tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm… cho trên 6.600 lượt hội viên nông dân.
Hội phối hợp với Sở Văn hóa – Thông tin, Thể thao và Du lịch tổ chức 2 Liên hoan tiếng hát nông dân cấp tỉnh, thành lập gần 60 Câu lạc bộ Đờn ca tài tử nông dân, tổ chức bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ về phát triển thể dục, thể thao cho cán bộ hội các cấp, thực hiện dự án “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet cho cán bộ hội viên, nông dân”.
Hội phối hợp với Sở Công Thương tổ chức 20 lớp tuyên truyền, vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hơn 80 cuộc Hội chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” với gần 1 triệu doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tham gia; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hơn 40 lớp dạy nghề và giới thiệu việc làm cho gần 1.300 nông dân; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức 10 lớp tập huấn về bảo vệ môi trường, nâng cao kỹ năng về quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Tuy nhiên, ông nguyễn Văn Hòa cũng thừa nhận việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Chưa có sự quan tâm sâu sát ở một số cấp ủy, chính quyền; ngân sách của tỉnh còn khó khăn; trình độ khoa học – kỹ thuật của nông dân và việc ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; các mô hình sản xuất trong nông dân chưa thật sự bền vững; Hội Nông dân ở một số địa phương thiếu chủ động trong công tác tham mưu thực hiện…
Phát huy vai trò chủ thể của nông dân
Theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị, cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ. Tỉnh tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, hội viên nông dân, đặc biệt là cơ sở, để hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa và nội dung Kết luận 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020”; Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”; nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh, cấp huyện, cũng như tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển Quỹ.
Cùng với đó, Bạc Liêu tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, các trang trại, hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân phát triển và mở rộng các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Tỉnh tiếp tục triển khai Nghị quyết 26, Hội nghị Trung ương 7 khóa X của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh tham gia vận động nông dân thực hiện các phong trào hành động cách mạng tại địa phương.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam khẳng định, Tỉnh ủy đã đề nghị các cấp, các ngành, nhất là Hội Nông dân các cấp tiếp tục thực hiện đạt hiệu quả Kết luận số 61 và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ; tập trung vào những nội dung chưa đạt yêu cầu hoặc hiệu quả còn thấp. UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo UBND các huyện phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, hỗ trợ Hội Nông dân các cấp để thực hiện ngày càng tốt hơn Kết luận số 61 và Quyết định số 673.
Nhật Bình