Bạc Liêu có nhiều chương trình, chính sách giúp nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer

Bạc Liêu có nhiều chương trình, chính sách giúp nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer

Với trên 17.000 hộ, hơn 74.000 nhân khẩu, người Khmer chiếm gần 8% dân số của tỉnh Bạc Liêu. Những năm qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng các cấp, ngành của địa phương luôn dành sự quan tâm, ưu tiên thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước cho đồng bào dân tộc Khmer. Cùng với đó là sự nỗ lực vươn lên của người dân đã và đang góp phần làm cho diện mạo làng quê, phum sóc thay da đổi thịt từng ngày.

Tưng bừng đón lễ Sen Đôn-ta

Những ngày này, người Khmer Nam Bộ nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng đang chuẩn bị đón lễ Sen Đôn-ta (có ý nghĩa như lễ vu lan báo hiếu của người Kinh thể hiện tấm lòng thành kính với ông bà, tổ tiên đã khuất). Năm nay, đón lễ tại căn nhà tình thương trị giá 50 triệu đồng, những thành viên trong gia đình bà Thạch Thị Hiệu (xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu) đều hân hoan, vui mừng, tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ; đồng thời chuẩn bị nhiều món ăn truyền thống để dâng cúng ông bà, tổ tiên. Bà Hiệu là 1 trong số 16 hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn được Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ xây dựng trong năm 2022. Tại buổi lễ bàn giao nhà, lãnh đạo Ban Dân tộc và Tôn giáo cùng các nhà hảo tâm đã trao tặng bà Hiệu các phần quà, gồm gạo và nhu yếu phẩm, nhằm tiếp thêm động lực để gia đình an tâm vươn lên trong cuộc sống.

Bạc Liêu có nhiều chương trình, chính sách giúp nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer ảnh 1 Người Khmer các xã vùng ven thành phố Bạc Liêu có cuộc sống ổn định nhờ mô hình trồng rau màu chuyên canh. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiều năm qua. Cùng với trao tặng nhà tình thương, các hộ nghèo người Khmer còn được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng chính sách thực hiện giảm nghèo bền vững.

Thuộc diện gia đình khó khăn, anh Lâm Chí Tâm (ngụ khóm 4, phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai) muốn đi xuất khẩu lao động tại Malaysia 3 năm để thoát nghèo nhưng không có tiền. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, anh được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho vay đóng các khoản chi phí để đi xuất khẩu lao động. Sau khi kết thúc hợp đồng, anh Tâm về nước với 1 số vốn tích lũy, giúp gia đình thoát nghèo. Muốn vươn lên khá giả, anh Tâm tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện vay 50 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Chăm chỉ làm ăn, không những trả hết các khoản vay, gia đình anh hiện đã có cuộc sống tốt hơn. Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, anh Tâm cho biết, nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình anh không thể thoát nghèo và có cuộc sống như bây giờ.

Nhiều chính sách nâng cao đời sống đồng bào dân tộc

Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, công tác dân tộc là nhiệm vụ quan trọng trong việc củng cố, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân. Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền của tỉnh đã tập trung thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer. Địa phương luôn ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng có đông đồng bào dân tộc, thực hiện nhiều chương trình, chính sách giúp nâng cao đời sống đồng bào như đỡ đầu hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo mô hình sinh kế, hỗ trợ nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, hỗ trợ học tập, chăm lo về y tế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ đất ở, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất…

Bên cạnh đó, các phong trào học tập nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo; chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường... trong đồng bào cũng được tỉnh quan tâm thực hiện. Công tác vận động đồng bào Khmer tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”..., được các cấp, ngành thực hiện thường xuyên, liên tục.

Bạc Liêu có nhiều chương trình, chính sách giúp nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer ảnh 2 Trồng rau màu giúp người nghèo có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Hiện nay, tại các vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, diện mạo phum sóc đang thay đổi từng ngày, nhất là về hạ tầng nông thôn. Nhiều tuyến đường bê tông đã được xây dựng nối liền các xóm, ấp giúp việc đi lại của người dân ngày càng thuận lợi, hàng hóa không còn chịu cảnh bị ép giá như trước. Nhà xây thay nhà lá mọc lên khắp phum sóc.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với hộ có hoàn cảnh khó khăn thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi. Theo thống kê, 5 năm qua có trên 4.000 hộ gia đình Khmer được giải ngân trên 20 tỷ đồng theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống. Cùng với các chính sách hỗ trợ tài chính, đồng bào Khmer cũng được ưu tiên đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Trong 2 năm 2020, 2021, tỉnh đào tạo nghề cho hơn 3.000 lao động người Khmer; hơn 2.000 người được giải quyết việc làm. Mỗi năm, tỉnh cấp hơn 190.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số, giúp bà con có điều kiện chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống… Từ năm 2016 đến năm 2021, trung bình mỗi năm, tỉnh có gần 3.000 hộ đồng bào Khmer được công nhận thoát nghèo. Đến tháng 12/2021, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 5%/tổng số hộ Khmer trong tỉnh. Ngoài ra, tỉnh đã đưa hàng ngàn con em người Khmer đi đào tạo theo chế độ cử tuyển; sau đó phân công, bố trí việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp, góp phần nâng cao trình độ dân trí, tạo nguồn nhân lực chất lượng, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn.

Bạc Liêu có nhiều chương trình, chính sách giúp nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer ảnh 3 Nhiều trường học tại Bạc Liêu được xây dựng khang trang. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Để thực hiện đồng bộ các chính sách về dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer, thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục làm tốt công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao trình độ dân trí, giải quyết việc làm, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống cây trồng - vật nuôi cho bà con. Tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thanh Duy cho biết, các chương trình, dự án sẽ được triển khai đồng bộ, thiết thực. Bên cạnh hỗ trợ về nhà ở, vay vốn làm ăn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, các địa phương trong tỉnh còn xây dựng kế hoạch khôi phục bản sắc văn hóa, ngành nghề, sản phẩm đặc trưng gắn với phát triển du lịch ở những ấp có đông đồng bào Khmer sinh sống, giúp bà con vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cùng sự phát triển chung của địa phương và đất nước.

Tuấn Kiệt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm