Bạc Liêu: Chủ động phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Bạc Liêu: Chủ động phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có trên 500 trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng, giảm so với cùng thời điểm năm trước; tuy nhiên liên tiếp trong tháng 5, 6 và đầu tháng 7, số ca mắc có chiều hướng gia tăng, đã có trường hợp tử vong.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu, trong tháng 5 Khoa Nhi tiếp nhận khám và điều trị nội trú cho 10 bệnh nhi mắc tay chân miệng, 50 trường hợp ngoại trú; đến tháng 6, con số tương ứng là 60 ca và 120 ca; chỉ trong 20 ngày tháng 7 là 100 ca và gần 200 ca.

Bạc Liêu: Chủ động phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ em ảnh 1Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ lây lan nhanh và tử vong cao, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị khi có dấu hiệu bệnh. Ảnh: TTXVN phát

Bé Trần Khánh Hưng, ở Phường 2, thành phố Bạc Liêu chưa đầy 1 tuổi vừa nhập viện do mắc tay chân miệng nặng - độ 4. Nhận thấy bệnh nhi tình trạng nặng, chuyển biến nhanh, nguy hiểm đến tính mạng, các bác sĩ đã nhanh chóng triển khai điều trị theo phác đồ, tiến hành lọc máu cho bệnh nhi. Sau thời gian điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, đang dần hồi phục.

Chị Nguyễn Thị Thùy Trang, ở xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, có con là Trần Thanh Tâm đang điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, thấy con sốt cao, uống thuốc không hạ nên đưa đi khám bệnh. Bác sĩ chẩn đoán mắc tay chân miệng, đồng thời cho nhập viện luôn. Sau mấy ngày điều trị, hiện sức khỏe của bé đã bình phục chuẩn bị cho xuất viện.

Bác sĩ Cao Minh Đoàn – Phó Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu cho biết, nếu như trước đây, đối tượng mắc tay chân miệng chủ yếu là trẻ từ 3 đến 5 tuổi, thì hiện nay số trẻ mắc tay chân miệng có xu hướng ở độ tuổi nhỏ hơn, nhiều bé chỉ vài tháng tuổi.

Đa phần, số trẻ mắc tay chân miệng đến khám và điều trị tại Bệnh viện ở mức độ 1 và 2 với các biểu hiện như xuất hiện vết tổn thương da vùng chân, tay và miệng, sốt cao trên 39 độ C, giật mình, ói, quấy khóc. Tuy nhiên, với biến chủng mới hiện nay, một số trẻ không có biểu hiện bên ngoài, gây khó khăn cho việc phát hiện và chẩn đoán. Người nhà cũng khó phát hiện bệnh, thường nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh khác nên khi cho trẻ đến cơ sở y tế làm xét nghiệm thì bệnh đã chuyển biến nặng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời điểm này, số ca mắc tay chân miệng ở trẻ chưa phải là đỉnh điểm so với các năm. Đáng lo ngại hiện nay là nguồn thuốc điều trị tay chân miệng nặng đang khan hiếm tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng với số ca mắc liên tục tăng cao, bác sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn Anh – Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo, khi thấy trẻ quấy khóc, sốt cao không hạ và hay giật mình là những triệu chứng sớm cảnh báo bệnh tay chân miệng. Mặc dù hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, thông thường có khả năng tự phục hồi trong vòng 7–10 ngày. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí chỉ trong nửa ngày đã có thể chuyển độ. Ở nhiều trường hợp nặng, trẻ có thể gặp chuyển độ nhanh đột ngột, có khi bỏ qua độ 2 và vào ngay độ 3, dẫn đến nguy cơ suy hô hấp và diễn tiến biến chứng nặng nhanh.

Bệnh chân tay miệng không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng và các biện pháp điều trị tích cực để duy trì chức năng sống đối với những trường hợp nặng, đặc biệt khi có suy tuần hoàn, suy hô hấp. Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ không chỉ phòng ngừa hiệu quả bệnh tay chân miệng, mà còn phòng được những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Người lớn và cả trẻ em nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ẵm bồng trẻ, sau khi đi vệ sinh.

Ngoài nhóm đối tượng chính là trẻ em, không hiếm các trường hợp thanh thiếu niên và người trưởng thành nhiễm virus tay chân miệng. Đặc biệt, phụ nữ mang thai nên lưu ý phòng ngừa, tránh bị nhiễm bệnh và lây truyền virus sang cho con ngay trước khi sinh hoặc trong khi sinh.

“Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ lây lan nhanh và tử vong cao. Vì chưa có vaccine phòng bệnh nên phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của trẻ và gia đình, chủ động áp dụng các nguyên tắc phòng ngừa, đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị khi có dấu hiệu bệnh”, bác sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn Anh – nhắc nhở.

Tuấn Kiệt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm