Bắc Giang: Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển vùng nông thôn, miền núi

Bắc Giang: Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển vùng nông thôn, miền núi

Ngày 13/11 tại thành phố Bắc Giang, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025.

Bắc Giang: Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển vùng nông thôn, miền núi ảnh 1Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang; Phó Chủ tịch UBND các tỉnh Bắc Giang, Thái Bình, Đồng Tháp, Gia Lai, Lạng Sơn; cùng đại diện 55 Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố, các nhà khoa học, các cơ quan hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ tham dự.

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 -2025” (gọi tắt là Chương trình nông thôn miền núi), trên cơ sở đó đề ra phương hướng và triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021-2025.

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm hơn 60% diện tích của cả nước, có tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đồng thời có tiềm năng rất lớn cần được tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ để khai thác phát triển. Tuy nhiên, hiện trạng phát triển của nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số chưa tương xứng với vai trò, vị trí, tiềm năng. Do vậy, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là làm sao đưa nhanh được tiến bộ khoa học và công nghệ, thúc đẩy ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào thực tiễn sản xuất, đời sống.

Chương trình nông thôn miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định thực hiện trong thời gian 10 năm từ 2016 - 2025, đến nay đã triển khai được một nửa thời gian. Qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực trên địa bàn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bắc Giang: Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển vùng nông thôn, miền núi ảnh 2Các đại biểu thăm quan gian trưng bày sản phẩm tại hội nghị. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN

Đến nay, 400 dự án đã được phê duyệt triển khai trên địa bàn 61 tỉnh, thành phố, với tổng kinh phí đầu tư trên 3 nghìn tỷ đồng. Các dự án hỗ trợ chuyển giao được triển khai trong nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, công nghệ bảo quản, chế biến... Dự kiến khi các dự án kết thúc sẽ xây dựng được trên 1.300 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; chuyển giao trên 2.100 lượt công nghệ mới, tiên tiến; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý cho 1.800 cán bộ quản lý, trên 3.500 kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương; tập huấn cho trên 78.000 lượt nông dân tiếp nhận và làm chủ được công nghệ.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình gặp phải những khó khăn, hạn chế về công tác xây dựng, ban hành văn bản; khó khăn về tài chính; công tác phối hợp, quản lý dự án; việc duy trì, nhân rộng mô hình, dự án.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng: một số dự án Chương trình còn phải điều chỉnh địa điểm, quy mô sản xuất; chậm tiến độ thực hiện. Chưa có nhiều dự án liên kết vùng, liên kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp và người sản xuất; kinh phí thực hiện còn thấp, tiến độ cấp kinh phí còn chậm theo mùa vụ.

Các đại biểu kiến nghị, cần duy trì, phát huy cơ chế phân định rõ chức năng quản lý của các Sở Khoa học và Công nghệ; tăng tỷ lệ kinh phí hỗ trợ cho các dự án, đặc biệt đối với các địa bàn khó khăn; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, thẩm định, cấp kinh phí triển khai các dự án; có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhân rộng kết quả sau dự án kết thúc. Đồng thời, các đơn vị quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về việc tổ chức thực hiện dự án; các đơn vị quản lý ở Trung ương và địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án, coi trọng công tác tổng kết, rút kinh nghiệm, thông tin tuyên truyền tới người dân nhằm phát huy sự lan tỏa của dự án.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh: Chương trình nông thôn miền núi cơ bản đã đạt được mục tiêu, nội dung đặt ra đến năm 2020. Để đạt được toàn bộ mục tiêu, nội dung đặt ra đến năm 2025, Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới các Bộ, ngành, địa phương liên quan cần có những giải pháp phù hợp hơn trong việc tổ chức, lựa chọn dự án, lựa chọn công nghệ cho các lĩnh vực; bổ sung, chỉnh sửa hành lang pháp lý để thuận lợi cho thực hiện Chương trình; xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết hàng năm và cho cả giai đoạn 2021- 2025; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các tổ chức chủ trì, tổ chức hỗ trợ chuyển giao công nghệ để triển khai dự án đạt kết quả tốt hơn.

Bên cạnh đó, các Sở Khoa học và Công nghệ chủ động tham mưu cho UBND cấp tỉnh đề xuất và tổ chức thực hiện các dự án phù hợp với chủ trương phát triển. Các tổ chức chủ trì dự án, hỗ trợ chuyển giao công nghệ phải phối hợp chặt chẽ, huy động nguồn lực đối ứng cùng với sự hỗ trợ của nhà nước để triển khai thành công các dự án, có kế hoạch nhân rộng các mô hình của dự án sau khi kết thúc.

Đồng Thúy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm