Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang quan tâm phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời người có uy tín có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự…
Tỉnh tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; thường xuyên cung cấp các thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, cập nhật thông tin chính trị, thời sự quốc tế, trong nước và địa phương... để người uy tín cập nhật, nắm bắt, làm cơ sở tuyên truyền, vận động tại địa phương.
Cấp ủy, chính quyền cơ sở ở Bắc Giang phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tạo điều kiện cho người có uy tín tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần giải quyết những vấn đề bức thiết của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo; gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, bảo tồn phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, gìn giữ an ninh trật tự, tạo sự đoàn kết các dân tộc...
Đồng bào dân tộc thiểu số hiện chiếm 14,26% tổng dân số của tỉnh Bắc Giang. Toàn tỉnh có 45 dân tộc thiểu số, trong đó 6 dân tộc thiểu số chủ yếu chiếm số đông là Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay, Dao.
Giai đoạn 2011-2021, kinh tế vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh tăng trưởng khá (đạt từ 3-4%/năm), nhiều xã đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi sản xuất hàng hóa tập trung; sự nghiệp y tế, giáo dục được nâng lên, văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy... Trong kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong 10 năm qua, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tổ chức và tham gia trên 4.200 cuộc vận động, tuyên truyền, hòa giải ở cơ sở. Qua đó, đã vận động các hộ dân hiến trên 526.000 m2 đất để làm đường giao thông, xây dựng trường học, nhà văn hóa, công trình điện lưới; hòa giải được hàng trăm hộ tranh chấp đất lâm, nông nghiệp; vận động, hòa giải trên 200 vụ bạo lực gia đình; trên 1.100 lần hòa giải các tranh chấp cá nhân, không để dẫn tới khiếu kiện vượt cấp…
Nhiều người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bắc Giang có mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả cho gia đình và là mô hình mẫu cho người dân trong cộng đồng học tập, làm theo. Điển hình tại huyện Lục Ngạn có ông Hà Trung Thành – người có uy tín thôn Hòa Quảng (xã Tân Mộc) đi đầu trong phong trào chuyển đổi cây trồng có múi ở địa phương, cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm; ông Lý Quang Trưởng – người có uy tín thôn Nũn (xã Phong Minh) phát triển chăn nuôi đại gia súc trâu, bò, ngựa cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm; ông Thăng Văn Báo – người có uy tín thôn Muối (xã Giáp Sơn), trồng cây vải thiều hữu cơ xuất khẩu Nhật theo tiêu chuẩn cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm…
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bắc Giang cũng tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng nông thôn mới ở khu dân cư...
Việt Hùng