Bắc Giang chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Bắc Giang chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới.

Bắc Giang chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ảnh 1Một góc vùng trồng vải sớm xuất khẩu ở xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên(Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam -TTXVN

Từ đó, tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống, thu hẹp khoảng cách về dịch vụ giữa nông thôn - thành thị phù hợp với định hướng chuyển đổi số của tỉnh từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 có tối thiểu 95% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 85% hồ sơ công việc cấp huyện, 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Toàn tỉnh có tối thiểu 97% xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 có ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Toàn tỉnh có ít nhất 70% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới. 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.

Phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, đến năm 2025 Bắc Giang phấn đấu có ít nhất 70% xã có hợp tác xã, 70% huyện có mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của huyện và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

Ngoài ra, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân, cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.

Mỗi xã nông thôn mới kiểu mẫu phấn đấu có ít nhất 1 mô hình thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới thông minh theo tiêu chí Thôn nông thôn mới thông minh được quy định tại Quyết định số 739/QĐ-UBND ngày 26/7/2022 của UBND tỉnh.

Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 15 thôn nông thôn mới thông minh; xây dựng 1 mô hình xã thương mại điện tử tại xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên) do trung ương chỉ đạo; xây dựng mô hình xã thương mại điện tử do địa phương chỉ đạo tại xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn).

Để đạt mục tiêu, tỉnh Bắc Giang tăng cường thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức; đào tạo tập huấn kiến thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh quan tâm phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển hạ tầng và kết nối mạng Internet đến cấp xã, thôn, bản (hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao; hạ tầng mạng di động 4G/5G; hạ tầng kết nối Internet, hạ tầng kết nối IoT,...), nâng cao chất lượng và năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân; hạ tầng công nghệ để phát triển hệ thống thông tin điện tử trên các lĩnh vực: giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử...

Tổng kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là trên 1.120 tỷ đồng.

Đến tháng 5/2023, toàn tỉnh Bắc Giang có 6/10 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới; có 144/182 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 79,1%; có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 23,6%; có 1 xã (xã Quảng Minh, huyện Việt Yên) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 243 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 17,1 tiêu chí/xã.

Mạng lưới thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian qua phát triển khá nhanh, hiện nay 100% số xã được phủ sóng truyền hình và sóng điện thoại di động; 100% số xã có hệ thống truyền thanh cơ sở; 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông đạt chuẩn. Hệ thống Internet tốc độ cao đã đến được hầu hết các điểm bưu điện văn hóa xã, hầu hết người dân khu vực nông thôn được sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông.

Đáng chú ý, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh hệ thống theo dõi và khám chữa bệnh trực tuyến, đến nay 100% các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện đã kết nối khám chữa bệnh từ xa với tuyến trên; 36 trạm y tế xã kết nối khám chữa bệnh từ xa với người dân. Tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe trên hệ thống phần mềm Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử đạt 95,8%...

Việt Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm