Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Công Mạo-TTXVN |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 36 vụ sạt lở, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch chính; làm mất 4.414m2 đất với chiều dài sạt lở 1.538m; buộc phải di dời 45 căn nhà; ước tổng thiệt hại về đất và tài sản khoảng 4,2 tỷ đồng.
Theo kết quả quan trắc đợt II năm 2017 cảnh báo cho mùa khô năm 2018 cho thấy, toàn tỉnh An Giang có tổng số 51 đoạn sông, với tổng chiều dài 162.550m có nguy cơ sạt lở. So với kết quả cảnh báo sạt lở đợt I năm 2017, vẫn giữ nguyên 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm; 31 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 11 đoạn ở mức độ trung bình và 3 đoạn ở mức độ nhẹ. Trong đó cảnh báo mức độ đặc biệt nguy hiểm đối với 6 đoạn có nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại lớn, cần chú ý có giải pháp phòng tránh và hạn chế thiệt hại.
Qua khảo sát thực tế tại các điểm sạt lở, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch cho thấy nguyên nhân chủ yếu là do chiều rộng lòng sông, rạch hẹp, độ uốn cong lớn, vách bờ dốc đứng cao, có cấu trúc địa chất đường bờ kém bền vững (sông Ông Chưởng, sông Cái Tàu Thượng, sông Cái Sao, sông Long Xuyên - Rạch Giá). Ngoài ra, do biến động lớn về dòng chảy (sông Hậu, kênh Xáng Tân An, kênh Cái Sắn), tình hình thời tiết cực đoan bất thường và do các yếu tố chủ quan như việc không quản lý tốt các công trình xây dựng của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức ở ven sông kênh rạch làm gia tăng tải trọng đường bờ sông, kênh, rạch…dẫn tới tình trạng sạt lở ngày càng gia tăng.
Để chủ động phòng tránh, ngăn ngừa và hạn chế sạt lở trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp với các địa phương cần có phương án sắp xếp dân cư ổn định cuộc sống cho người dân khu vực sạt lở; trong đó chú ý đến 29 hộ ở huyện Chợ Mới và 7 hộ ở thành phố Long Xuyên hiện chưa có chỗ ở ổn định. Tỉnh tiếp tục theo dõi, quan trắc, khảo sát các đoạn sông xảy ra sạt lở nêu trên để kịp thời thông báo, cảnh báo đến chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học khảo sát chi tiết các đoạn đã cảnh báo sạt lở đề xuất các giải pháp công trình để gia cố hạn chế sạt lở: thả rọ đá, bao cát bằng vải địa kỹ thuật hoặc các loại bó cây tre hoặc nhánh cây làm đổi hướng và giảm lực dòng chảy, sóng…
Tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tham mưu với UBND tỉnh thành lập “Tổ ứng phó thiên tai khẩn cấp”, quy chế phối hợp ứng phó để đảm bảo ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có sự cố sạt lở xảy ra.
Công Mạo