Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước vừa ký quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Tổng nhu cầu vốn thực hiện là hơn 111 tỷ đồng.
Đối tượng được hỗ trợ nhà ở gồm: hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025) trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND xã, thị trấn quản lý; đang cư trú trên địa bàn huyện Tri Tôn và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 có hiệu lực thi hành tối thiểu 3 năm. Đối tượng thụ hưởng không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác.
Theo đề án, tổng số hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ nhà ở là 1.081 hộ (xây mới 1.002 hộ, sửa chữa 79 hộ); tổng số hộ cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ là 877 hộ (xây mới 785 hộ, sửa chữa 92 hộ). Mức hỗ trợ xây dựng mới nhà ở là 40 triệu đồng/căn; sửa chữa 20 triệu đồng/căn từ vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương. Ngân sách địa phương hỗ trợ xây dựng mới nhà ở 4 triệu đồng/căn; sửa chữa nhà ở 2 triệu đồng/căn. Ngoài ra, tỉnh huy động các nguồn vốn hợp pháp khác như vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội (nếu có) và vốn của hộ dân được hỗ trợ nhà đóng góp; dự kiến khoảng 15 triệu đồng/căn cho xây mới hoặc sửa chữa nhà ở. Địa phương ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số và hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; đồng thời huy động nhiều nguồn vốn để thực hiện, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm theo nguyên tắc "Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở".
Sau khi được xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2, đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng), tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên, đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, dông lốc. Nhà được xây mới hoặc sửa chữa không theo thiết kế mẫu nhà ở chung mà tùy theo điều kiện cụ thể, người dân có thể xây dựng nhà ở theo kinh nghiệm, truyền thống, phong tục tập quán, phù hợp với điều kiện kinh tế, sinh hoạt của gia đình nhưng phải đảm bảo tiêu chí tối thiểu về diện tích, chất lượng theo quy định.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, An Giang có 11 huyện, thị xã, thành phố; trong đó Tri Tôn là huyện nghèo duy nhất của tỉnh. Thời gian qua, huyện đã nỗ lực thực hiện tốt các chương trình, chính sách về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng. Tuy nhiên, số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện hiện vẫn còn nhiều, chủ yếu tập trung ở các xã vùng sâu, xã tiếp giáp biên giới và xã có nhiều người dân tộc thiểu số.
Toàn huyện Tri Tôn hiện có 33.062 căn nhà; trong đó, số nhà ở tạm bợ là 1.958 căn, chiếm 5,92 % tổng số nhà ở toàn huyện. Phần lớn nhà ở có kết cấu là cột tre hoặc bạch đàn, vách lá, mái lá... không đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đặc biệt khi có bão hoặc dông lốc. Do đó, Đề án hỗ trợ nhà ở vừa được UBND tỉnh phê duyệt nhằm hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Tri Tôn có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững, đảm bảo các quy định về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Công Mạo