Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Thanh Sang- TTXVN |
Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc trực tiếp với các đơn vị để thực hiện theo đúng hợp đồng bao tiêu đã ký, tạo niềm tin cho người sản xuất. Ngành nông nghiệp tỉnh có kế hoạch sản xuất cho vụ lúa Hè Thu sắp tới; trong đó, một số giống lúa rớt giá mạnh trong vụ Đông Xuân 2018-2019 cần hạn chế đưa vào sản xuất nếu không có hợp đồng bao tiêu giữa doanh nghiệp và nông dân để tránh tình trạng rớt giá khi vào vụ thu hoạch. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, vụ Đông Xuân 2018-2019, tỉnh xuống giống được gần 234.000 ha, giảm 729 ha so với cùng kỳ; trong đó, diện tích lúa các loại là gần 208.000 ha và diện tích nếp là gần 26.000 ha. Vụ lúa Đông Xuân 2018-2019, trên địa bàn 11 huyện, thị, thành tại An Giang chủ yếu trồng 5 giống lúa chủ lực gồm: IR50404, Đài Thơm 8, OM5451, nếp, OM6976. Đến hết ngày 19/2, toàn tỉnh đã thu hoạch được 27.496 ha lúa vụ Đông Xuân, đạt 11,76% diện tích xuống giống, ước năng suất bình quân đạt 6,19 tấn/ha; sản lượng là 170.000 tấn, so với cùng kỳ diện tích thu hoạch nhiều hơn 22.139 ha. Dự kiến, đến hết ngày 1/3, An Giang sẽ thu hoạch lúa vụ Đông Xuân từ 10.000-14.000 ha, sản lượng từ 74.200 - 104.000 tấn lúa. Thời gian thu hoạch rộ từ ngày 1/3 đến 10/4. Vụ Đông Xuân 2018-2019, các vùng sản xuất lúa tại An Giang đã thực hiện hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa gạo cùng 21 doanh nghiệp lương thực với diện tích gần 28.300 ha. Đến nay, đã có 9 doanh nghiệp thực hiện thu mua với diện tích là 1.578 ha, đạt sản lượng 12.306 tấn, đạt 6,21% kế hoạch. Hiện các vùng có hợp đồng liên kết tại An Giang cũng đã triển khai thu mua được khoảng 17% diện tích ký hợp đồng theo giá thỏa thuận giữa doanh nghiệp và nông dân. Các địa phương báo cáo, tại An Giang chưa xảy ra tình trạng nông dân hoặc doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là giá thu mua lúa trên địa bàn An Giang đang có xu hướng giảm từ 200-800 đồng/kg so với tuần trước Tết Nguyên đán, giảm từ 1.000-1.500 đồng/kg so với cùng kỳ. Trong khi đó, hiện sản lượng thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2018-2019 của tỉnh mới chỉ khoảng 10% sản lượng dự kiến. Sắp tới sẽ vào thu hoạch cao điểm của vụ Đông Xuân, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, giá lúa có thể tiếp tục diễn biến bất lợi hơn cho nông dân. Tại cuộc họp, nhiều công ty, doanh nghiệp thực hiện hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa gạo tại An Giang như Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Nông sản Vinacam... nêu khó khăn lớn nhất mà họ đang đối mặt trong thu mua lúa gạo vụ Đông Xuân là nguồn vốn. Doanh nghiệp chia sẻ, mặc dù lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại tại An Giang hiện ở mức cao nhưng vẫn khó tiếp cận. Doanh nghiệp kiến nghị, tỉnh có giải pháp hỗ trợ tài chính, ngân hàng đáp ứng nhu cầu tiếp cận vốn và mở rộng điều kiện giải ngân để họ có vốn, tăng cường thu mua lúa vụ Đông Xuân khi đang vào vụ thu hoạch...
Lúa vụ Đông Xuân 2018-2019 tại An Giang tăng 8.000 tấn so với cùng kỳ với sản lượng cả vụ ước đạt 1,735 triệu tấn lúa. Ảnh: Thanh Sang- TTXVN |
Giải đáp vấn đề "đói" vốn, đại diện các ngân hàng thương mại tại An Giang khẳng định, đến thời điểm này vẫn đáp ứng đủ nguồn vốn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các ngân hàng cho rằng, họ chỉ có thể đáp ứng nguồn vốn cho các đơn vị đủ điều kiện cho vay theo đúng chỉ đạo của hội sở và từ chối trả lời phản ánh về lãi suất cho vay cao mà doanh nghiệp nêu vì đây là áp dụng cho cả hệ thống. Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, doanh số cho vay sản xuất và tiêu thụ lúa gạo liên quan đến vụ Đông Xuân 2018-2019 trên địa bàn An Giang thực hiện trong tháng 1/2019 là 2.385 tỷ đồng; trong đó, cho vay thu mua gạo xuất khẩu là 320 tỷ đồng. Để tháo gỡ khó khăn cho vay lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo vụ Đông Xuân, ông Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh An Giang đã có văn bản chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại trên địa bàn tỉnh phải chủ động cân đối nguồn vốn nhằm đáp ứng như cầu vay vốn của doanh nghiệp thu mua lúa, gạo. Kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tăng cường nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ kịp thời; tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và xem xét tăng hạn mức tín dụng trong thu mua lúa gạo trong tỉnh; đẩy nhanh tiến độ giải ngân và thực hiện lãi suất cho vay phù hợp; điều chỉnh gia hạn nợ đối với nông dân thực sự gặp khó khăn… Với dự báo thời tiết thuận lợi, lúa vụ Đông Xuân trên địa bàn An Giang đạt năng suất cao, tăng 8.000 tấn so với cùng kỳ với sản lượng cả vụ ước đạt 1,735 triệu tấn lúa. Giá lúa hiện đang giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm 2018 và có chiều hướng tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các địa phương tổ chức thu mua lúa theo tiến độ thu hoạch; yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường thu mua theo liên kết sản xuất và hợp đồng tiêu thụ, có kế hoạch thu mua tạm trữ. Đồng thời, các đơn vị chức năng có kế hoạch dài hạn hoặc kế hoạch hàng năm và thường xuyên trao đổi thông tin tình hình liên kết sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn cũng như cùng bàn bạc tháo gỡ khó khăn phát sinh. Ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh tiếp tục hỗ trợ nông dân. Trước hết, tập trung các hợp đồng đã ký kết bao tiêu với nông dân An Giang. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, hiện nay giá lúa đang chạm đáy do nhiều yếu tố tác động. Tuy nhiên, giá lúa sẽ có chiều hướng tăng trở lại trong thời gian tới, khi nhu cầu nhập khẩu ở nhiều thị trường như Indonesia, Philipines và các nước châu Phi tăng mạnh do tác động của biến đổi khí hậu. Năm 2019, tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán mất mùa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, khi đó nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam ở các thị trường này tăng mạnh và giá lúa gạo kỳ vọng sẽ tăng trở lại.
Thanh Sang