Toàn tỉnh An Giang hiện có 56 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến đặc biệt nguy hiểm, trong đó có 5 đoạn đặc biệt nguy hiểm cần chú ý. Đây là nội dung báo cáo kết quả quan trắc, cảnh báo sạt lở đất bờ sông trên địa bàn vừa được công bố của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang đã hoàn thành khảo sát, đo đạc thực địa các tuyến sông, kênh, rạch chính trên địa bàn tỉnh như: sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Bình Di, sông Châu Đốc, sông Cái Vừng, kênh Xáng Tân An, rạch Ông Chưởng, rạch Cái Sắn... với tổng chiều dài 181.450 m. Kết quả quan trắc, toàn tỉnh có 56 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở; trong đó có 5 đoạn được cảnh báo đặc biệt nguy hiểm, 37 đoạn nguy hiểm, 14 đoạn bình thường. Số đoạn cảnh báo sạt lở có xu hướng tăng về chiều dài và mức độ nguy hiểm, xảy ra sạt lở nhiều hơn ở các sông, kênh, rạch nhỏ.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang lưu ý các huyện cần chú ý 5 đoạn được cảnh báo sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm gồm: Đoạn sông Tiền chảy qua xã Phú An, huyện Phú Tân; đoạn sông Hậu chảy qua xã Châu Phong, thị xã Tân Châu; đoạn sông Hậu chảy qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú; đoạn sông Hậu, sông Vàm Nao chảy qua huyện Chợ Mới từ xã Kiến An đến chợ xã Mỹ Hội Đông dài 3.600 m (điểm cuối là chùa Liên Hoa) và đoạn sông Hậu chảy qua xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên.
Nguyên nhân sạt lở gia tăng được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chỉ ra là do diễn biến thời tiết bất thường, tác động của quá trình biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mê Kông gây thiếu bùn cát bồi lắng và hoạt động khai thác cát, xây dựng, vận tải hai bên bờ sông... Song song đó, An Giang nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung nền đất yếu, rất dễ bị xâm thực, bào mòn nhanh; việc gia tăng phương tiện giao thông trên bờ, dưới sông gây chấn động và sóng... cũng là nguyên nhân gây sạt lở đất ven sông, kênh, rạch.
Để hạn chế thiệt hại về người, tài sản do sạt lở đất bờ sông, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang đề nghị các sở, ngành, huyện tăng cường hơn nữa công tác cảnh báo, phòng, chống và khắc phục hậu quả sạt lở đất bờ sông. Giải pháp căn cơ lâu dài là tiếp tục nâng cao năng lực cảnh báo, theo dõi, quan trắc cảnh báo các đoạn sông xảy ra sạt lở.
Bên cạnh đó, các sở, ngành cần phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học xây dựng phương án, biện pháp phòng, chống sạt, lở bờ sông; tăng cường kiểm tra các phương tiện, hoạt động giao thông thủy để hạn chế tác động gây ra sạt lở bờ sông ở một số địa điểm có nguy cơ sạt lở cao; thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh công tác quản lý nhà ở trên sông, kênh, rạch...
Đặc biệt, các huyện cần tăng cường kiểm tra không để phát sinh, cải tạo gia tăng tải trọng nhà ở, công trình trên bờ sông, kênh, rạch trái phép; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc khai thác cát sông trái phép, xử lý nghiêm các sai phạm..
Thanh Sang