An Giang là tỉnh đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều sông, kênh, rạch và nhiều đoạn sông cong với nền đất yếu, dễ bị xâm thực, bào mòn nhanh. Do đó, hàng năm ở đây liên tục xảy ra sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, gia tăng cả về quy mô, tần suất.
Qua đo đạc, quan trắc, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang cảnh báo, toàn tỉnh có 56 đoạn sông có nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến đặc biệt nguy hiểm, trong đó có 5 đoạn sông có nguy cơ. Đó là đoạn sông Tiền chảy qua xã Phú An (huyện Phú Tân), đoạn sông Hậu chảy qua xã Châu Phong (thị xã Tân Châu), đoạn sông Hậu chảy qua xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú); đoạn sông Hậu, sông Vàm Nao chảy qua huyện Chợ Mới (từ xã Kiến An đến chợ xã Mỹ Hội Đông) và đoạn sông Hậu chảy qua xã Mỹ Hòa Hưng (thành phố Long Xuyên).
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự An Giang, trong 6 tháng đầu năm 2024, ở tỉnh xảy ra 17 vụ sạt lở, sụt lún đất bờ kênh, rạch với chiều dài 697m, làm ảnh hưởng đến 9 hộ dân; gây thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Huyện Châu Phú là nơi xảy ra nhiều vụ sạt lở nhất với 6 vụ. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ sạt lở kênh, rạch giảm 3 lần. Tuy nhiên, An Giang hiện đang trong mùa mưa, lũ với diễn biến phức tạp, khó lường nên nguy cơ xảy ra sạt lở đất rất cao.
Nguyên nhân các vụ sạt lở được cơ quan chức năng nhận định là do diễn biến thời tiết bất thường, tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mê Kông gây thiếu bùn cát bồi lắng. Ngoài ra còn do yếu tố thủy lực, dòng chảy, hình thái dòng sông, cấu trúc địa chất bờ sông, vận động kiến tạo và hoạt động kinh tế - xã hội…
Ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đang vào mùa mưa với diễn biến thời tiết, thủy văn phức tạp. Do đó, các địa phương cần tăng cường phòng, chống sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch. Nơi có đoạn sông nguy cơ sạt lở theo cảnh báo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cần phải thường xuyên kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện, xử lý, chủ động đưa người dân, tài sản đến nơi an toàn khi có dấu hiệu sạt lở đất. Đồng thời, các địa phương cần làm tốt việc điều tiết, phân luồng giao thông thủy, bộ để giảm tải trọng lên đường đê tại các khu vực có nguy cơ sạt lở; bố trí lực lượng, tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống công trình đê bao; kịp thời gia cố, khắc phục, đảm bảo an toàn công trình, sẵn sàng các phương án kịp thời ứng phó...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tiếp tục triển khai nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, ứng phó sạt lở bờ sông; tăng cường theo dõi chặt chẽ cảnh báo sạt lở đất bờ sông, kênh rạch để có hướng xử lý kịp thời nhằm giảm thiệt hại do sạt lở đất. Tỉnh sẽ chỉ đạo đơn vị liên quan đẩy mạnh kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm xây dựng nhà ở, công trình ven sông, kênh, rạch và khai thác cát, sỏi, đất trái phép làm gia tăng nguy cơ sạt lở đất. Địa phương chủ động di dời người dân, nhà ở đến nơi an toàn khi có dấu hiệu sụt lún, nguy cơ sạt lở, sự cố công trình nhằm đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân.
Năm 2023, ở An Giang ghi nhận 129 vụ sạt lở, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch với tổng chiều dài 6.764 m; làm ảnh hưởng 90 căn nhà người dân; thiệt hại gần 12,8 tỷ đồng...
Thanh Sang