Ăn bọ xít rang, cả nhà ngộ độc

Ăn bọ xít rang, cả nhà ngộ độc

Ngày 12/8, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết Trung tâm đang điều trị cho bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, kích thích, toan chuyển hóa với chẩn đoán: Suy đa tạng do ngộ độc bọ xít.

Trước đó, ngày 2/8, Trung tâm tiếp nhận bệnh nhân K chuyển đến từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình trong tình trạng hôn mê, kích thích, toan chuyển hóa với chẩn đoán: Suy đa tạng do ngộ độc bọ xít. Bệnh nhân được xét nghiệm máu cho thấy, trong máu bị nhiễm axit nặng, tổn thương cơ, liệt cơ và suy đa tạng. Bệnh nhân đã được điều trị tích cực, thở máy, lọc máu liên tục, kháng sinh liều cao, thuốc vận mạch…

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, khoảng 11h ngày 1/8, anh K có ăn bọ xít bắt ở ruộng lúa cùng 6 người trong gia đình, số lượng khoảng nửa ki lô gam. Sau khi bắt bọ xít, anh K và mang về rang, sử dụng làm thực phẩm như một món “đặc sản”. Anh K ăn khoảng 2 bát con cùng thịt lợn, măng xào, rau muống, uống cùng rượu chuối hột và bia. Sau ăn, cả gia đình xuất hiện đau bụng, buồn nôn, đau mỏi người. Đến khoảng 22h, anh K xuất hiện buồn nôn, nôn 2 lần, đi ngoài phân lỏng 5 lần. Khoảng 0h ngày 2/8, anh K xuất hiện chuột rút, co cứng các cơ và đau cơ toàn thân nên được đưa tới Trung tâm Y tế huyện Yên Thủy, sau đó chuyển Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình và được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vào lúc 15h30 ngày 2/8/2021. Qua 10 ngày điều trị, tình trạng của anh K đã hồi phục, dần hết các triệu chứng và được ra viện ngày 12/8.

Cũng theo lời kể của người nhà anh K, hàng ngày mọi người vẫn bắt bọ xít nhãn, bọ xít lúa để ăn và không có vấn đề gì. Bọ xít anh K. ăn hôm đó là bọ xít bắt ở ruộng lúa nhưng không phải loại bọ xít có màu xanh như mọi lần vẫn ăn mà là loại bọ xít có màu vàng. Cả 7 người ăn hôm đều bị ngộ độc với biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài. Anh K bị nặng nhất nên được chuyển đến Trung tâm chống độc điều trị. Các trường hợp khác bị ngộ độc nhẹ hơn nên được điều trị ở tuyến cơ sở.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, một số trường hợp người dân ăn bọ xít lại ăn nhầm phải sâu ban miêu và bị nhiễm độc. Tuy nhiên, các biểu hiện của anh K không phù hợp với ngộ độc sâu ban miêu, mà đây là trường hợp ngộ độc một loài bọ xít. Qua hình ảnh bọ xít của bệnh nhân được gửi đến, các chuyên gia của Viện Hàn lâm và Khoa học công nghệ Việt Nam nhận dạng đây là loài bọ xít có tên khoa học là Agonoscelis nubilis (Fabricius, 1775). Tuy nhiên, thông tin về độc tố, tình hình gây độc trên người chưa thấy ghi nhận trên y văn thế giới.

Các chuyên gia lưu ý, bọ xít có nhiều loài, trong đó cũng nhiều loài có thể có chất độc. Bên cạnh đó, ngay cả khi con vật không có độc nhưng có nguy cơ rất cao mang các mầm bệnh và lây bệnh cho người (như các ký sinh trùng, vi khuẩn, virus). Thông tin y học về độc tính của các loài sâu, bọ xít hiện nay còn ít. Do đó có rất ít loài sâu, bọ xít được khoa học chứng minh là an toàn để ăn. Người bình thường, bao gồm các bác sỹ cũng không thể nhận dạng để xác định loài bọ xít cụ thể và rất dễ nhầm lẫn. Nếu người bệnh ăn các loài sâu, bọ xít và bị ngộ độc thì các bác sỹ gặp rất nhiều khó khăn trong chẩn đoán và cứu chữa, đồng nghĩa với người bệnh sẽ gặp nhiều rủi ro.

Để phòng tránh ngộ độc và mắc bệnh, các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh một vài dạng côn trùng đã được biết rõ ràng có thể dùng làm thực phẩm (ví dụ nhộng tằm), người dân không nên sử dụng các sinh vật lạ hoặc không chắc chắn làm thực phẩm dù chế biến bằng bất kỳ cách nào.

PV

TTXVN

Có thể bạn quan tâm