Ai sẽ trả chi phí điều trị khi COVID-19 chuyển từ nhóm A sang nhóm B?

Ai sẽ trả chi phí điều trị khi COVID-19 chuyển từ nhóm A sang nhóm B?

Chiều 14/6, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Tọa đàm - trao đổi thông tin về một số vấn đề liên quan đến công tác truyền thông y tế, một số kết quả y tế nổi bật trong quý II/2023, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cùng nhiều lãnh đạo các vụ, cục của Bộ Y tế đã tham dự buổi toạ đàm.

Ai sẽ trả chi phí điều trị khi COVID-19 chuyển từ nhóm A sang nhóm B? ảnh 1Khu vực điều trị nội trú cho bệnh nhân covid-19 tại bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: TTXVN phát

Chất lượng điều trị bệnh nhân COVID-19 không thay đổi

Liên quan đến vấn đề điều trị COVID-19 khi chuyển COVID-19 từ nhóm A sang B, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, chất lượng điều trị bệnh nhân COVID-19 không thay đổi. Việc điều trị bệnh nhân dựa trên phác đồ điều trị, yếu tố bệnh tật của bệnh nhân. Vì thế dù ở nhóm A hay B, nếu người bệnh suy hô hấp hay có những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe... vẫn được điều trị như nhau dựa trên phác đồ điều trị chung của ngành Y tế. “Có một điều khác là khi ở nhóm A, ngân sách Nhà nước chi trả chi phí điều trị. Khi chuyển sang nhóm B, Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ chi trả theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế”, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin.

Chia sẻ thêm về nội dung này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, việc chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 6/2023. Khi Thủ tướng Chính phủ ký công bố hết hiệu lực của Quyết định 447, Bộ Y tế cùng đồng thời ký ban hành hướng dẫn về chuyển dịch COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B. Bộ Y tế đang chỉnh sửa các hướng dẫn về chuyên môn như chẩn đoán, điều trị, phòng, chống lây nhiễm của COVID-19 để khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B sẽ triển khai ngay.

Chia sẻ về công tác giám sát COVID-19 khi chuyển sang nhóm B, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Phan Trọng Lân cho biết: Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam luôn giám sát đồng bộ về tình hình dịch bệnh.

“Khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B, theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, việc phân loại dựa trên bệnh học là chủ yếu. Tại Việt Nam, nhóm A chủ yếu là các biện pháp về hành chính xã hội, khi sang nhóm B sẽ bỏ các hoạt động kiểm soát về hành chính xã hội. Hay nói cách khác là, nếu nhóm A, ngoài ngành Y tế sẽ có các bộ, ngành khác cùng tham gia chống dịch. Khi sang nhóm B, chủ yếu là ngành Y tế triển khai.

Tỷ lệ nhập viện thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B

Theo thông tin của Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến ngày 29/5/2023, cả nước ghi nhận 85.493 ca mắc COVID-19, trung bình hàng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc (giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022); ghi nhận 20 ca tử vong do COVID-19, tỷ lệ tử vong giảm mạnh xuống còn 0,02% (năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%).

Các ca tử vong ghi nhận trong thời gian này đều là những trường hợp có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước, phần lớn có tiền sử chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19. Hiện nay, tỷ lệ người mắc COVID-19 nhập viện thấp hơn. Tỷ lệ nặng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Số liều vaccine COVID-19 đã tiêm trên 100 người dân tại Việt Nam cao hơn 1,6 lần so với trung bình của thế giới. Tỷ lệ tiêm liều cơ bản cao hơn 1,4 lần so với trung bình của thế giới và tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại cao hơn 2 lần so với trung bình thế giới.

Căn cứ với tình hình diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam, đối chiếu các quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và theo khuyến cáo cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế đã đề xuất điều chỉnh bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B với 3 lý do sau: Đó là, theo Tổ chức Y tế thế giới, SARS-CoV-2 (virus gây ra bệnh COVID-19) vẫn là virus có tốc độ lây truyền nhanh.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, số ca mắc và tỉ lệ tử vong giảm mạnh, tương đương hoặc thấp hơn tỉ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B trong 05 năm gần đây như: Sốt xuất huyết, Sốt rét, Bạch hầu, Ho gà… Bên cạnh đó, đã xác định rõ tác nhân gây bệnh COVID-19 là virus SARS-CoV-2.

Bệnh COVID-19 hiện nay đáp ứng các tiêu chí thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong).

Trước đó, ngày 3/6/2023, tại Phiên họp thứ 20, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã thống nhất đủ điều kiện chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B. Đây là dấu mốc quan trọng ghi nhận sự thành công trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp

Thông tin tại cuộc Toạ đàm, Chánh Văn phòng Bộ Y tế Hà Anh Đức cho biết, Bộ đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình hiện nay bao gồm: Điều chỉnh bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; hoàn thiện Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025; hoàn thiện hướng dẫn triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 phù hợp tình hình các địa phương.

Đồng thời, Bộ rà soát, sửa đổi, cập nhật hướng dẫn giám sát và phòng, chống COVID-19 phù hợp tình hình dịch; Rà soát, sửa đổi, cập nhật các phác đồ điều trị, quản lý bệnh nhân COVID-19, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện phù hợp với tình hình mới.

Bộ Y tế lồng ghép giám sát COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm cả giám sát trọng điểm; tiếp tục thực hiện giám sát giải trình tự gen và giám sát các trường hợp viêm phổi nặng, các ca bệnh nặng, ổ dịch có diễn biến bất thường tại các cơ sở y tế, cộng đồng. Bên cạnh đó, bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai tiêm vaccine làm một trong những hoạt động tiêm chủng thường xuyên...

Các địa phương tiếp tục thực hiện rà soát tình hình dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Trong đó, tập trung bảo đảm kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch COVID-19 cùng với việc quản lý các bệnh truyền nhiễm khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Các địa phương tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng và tiêm chủng vaccine; tổ chức tập huấn, đào tạo thường xuyên cho cán bộ y tế về dịch tễ học, xử lý ca bệnh, tiêm chủng, điều trị, truyền thông.

Bích Thủy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm