Với quyết tâm đổi mới trong công tác xây dựng Đảng, từ tháng 5/2022, Quảng Ngãi đã triển khai Đề án 07 về việc thực hiện thí điểm mô hình “Dân tin - Đảng cử” tại ba huyện Ba Tơ, Tư Nghĩa và Bình Sơn. Đây là cách làm mới của tỉnh trong công tác xây dựng Đảng, nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên…
Mô hình “Dân tin - Đảng cử” nhằm tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về năng lực, sức chiến đấu và phương thức lãnh đạo của Đảng. Sắp xếp tổ chức ở cấp thôn, tổ dân phố bảo đảm đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là người có uy tín cao trong nhân dân, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kỹ năng công tác tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng đến thực hiện phương châm “dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra - dân giám sát - dân thụ hưởng”.
Không chỉ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố còn có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. Do vậy, việc lựa chọn đúng người để thực hiện công việc ở thôn, tổ dân phố là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo đột phá trong phong trào ở địa phương.
Bí thư Đảng ủy xã Ba Điền (huyện Ba Tơ) Phạm Văn Hoa cho biết, với đặc thù là một xã miền núi, khi triển khai mô hình “Dân tin - Đảng cử”, Đảng ủy xã đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã và các hội đoàn thể tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn.
Từ kết quả của bầu trưởng thôn, xã tiến hành tổ chức đại hội các chi bộ. Kết quả có 2/4 chi bộ có bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn.
“Đến nay, về cơ bản, những đồng chí này đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó tiêu biểu nhất là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Gò Nghênh Phạm Văn Khoa (32 tuổi). Dù còn trẻ, anh Khoa đã tích cực phát triển kinh tế gia đình để tạo lòng tin cho bà con, giúp họ cùng xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, anh cùng với chi bộ rà soát, đề xuất với Ủy ban nhân dân xã đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, kênh mương thủy lợi; chủ động phối hợp với Chi bộ thôn Gò Nghênh kịp thời giải quyết những phát sinh trong nhân dân, những bức xúc từ cơ sở”, ông Phạm Văn Hoa cho biết.
Theo Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ, nhiệm kỳ 2022 - 2025, huyện có 93 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trong đó có 8 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn; 85 phó bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; một chi ủy viên kiêm trưởng thôn. “9 tháng chưa phải là dài để đánh giá toàn diện, nhưng qua mô hình này, khẳng định được mấy vấn đề, đó là mối quan hệ rất sinh động giữa lòng dân và ý Đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ bí thư, phó bí thư kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; tạo sự quan hệ gắn bó mật thiết giữa đảng với nhân dân, làm cho dân tin vào đảng; hiệu quả trong việc thực hiện các chủ trương chính sách của nhà nước”, ông Đinh Ngọc Vỹ cho hay.
Trước khi thực hiện mô hình này, huyện Tư Nghĩa có 74 đồng chí không đủ điều kiện về trình độ học vấn; 32 đồng chí chưa qua đào tạo lý luận chính trị; 37 đồng chí trên 65 tuổi. Do đó, khi thực hiện mô hình, Huyện ủy Tư Nghĩa đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần không chọn người không đủ chuẩn. Giải pháp huyện Tư Nghĩa đưa ra là sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ, cùng với đó là vận động, thuyết phục những người có đủ tiêu chuẩn. Ban đầu, nhiều người quyết liệt từ chối. Bằng cách tiếp cận, vận động, giải thích, trao đổi, địa phương đã thuyết phục được họ nhận nhiệm vụ.
Đến nay, huyện Tư Nghĩa có 20/79 bí thư kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, còn lại là phó bí thư kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. 79/79 chi bộ thôn có chi ủy; 79/79 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên. Chỉ có 2 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trên 65 tuổi.
Ông Trần Quang Tòa, Bí thư Huyện ủy Tư Nghĩa cho biết: “Qua triển khai, mô hình đã khẳng định cấp cơ sở và cán bộ trong toàn hệ thống chính trị phải xác định, làm cán bộ yêu cầu phải đạt chuẩn, chứ không chỉ có năng lực, nhiệt tình, uy tín. Bên cạnh đó, huyện đã sàng lọc những cán bộ cơ sở không đảm bảo tiêu chuẩn, thay vào đó là đội ngũ cán bộ vừa có uy tín thực sự, vừa đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định để đảm đương nhiệm vụ”.
Đánh giá về hiệu quả bước đầu của mô hình “Dân tin - Đảng cử”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, hiện tại, ngoài 3 huyện thí điểm, mô hình còn được thành phố Quảng Ngãi và huyện Sơn Tịnh hưởng ứng. Tại các địa phương triển khai, mô hình đã đạt được mục tiêu đề ra, là: Thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”.
Việc thực hiện mô hình này góp phần tinh gọn bộ máy, giảm kinh phí, khắc phục sự chồng chéo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân kịp thời hơn; tăng cường được mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; xây dựng Đảng trong lòng dân, dân là gốc.
Qua thực hiện mô hình, tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên cơ sở; tổ chức bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trong một ngày, tạo khí thế mới, trở thành ngày hội toàn dân, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, vai trò vị thế của cử tri trong việc lựa chọn bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.
Trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, tỉnh sẽ triển khai thực hiện rộng rãi mô hình này. Trong đó, nhiệm kỳ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thống nhất với nhiệm kỳ đại hội chi bộ là 2,5 năm, để tạo sự đồng bộ về công tác cán bộ. Đặc biệt là xây dựng, chuẩn hóa đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố trong toàn tỉnh.
Đinh Hương