77 năm Quốc khánh: Về nơi lưu giữ Bảo vật quốc gia - Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa 1945-1946

77 năm Quốc khánh: Về nơi lưu giữ Bảo vật quốc gia - Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa 1945-1946

Nằm sâu dưới mặt đất 12m, trong kho lưu trữ ở tầng hầm thứ ba của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước – Bộ Nội vụ), Bảo vật quốc gia - Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa 1945 - 1946 đang được bảo quản theo chế độ nghiêm ngặt nhất, bảo đảm lưu giữ vĩnh viễn, trường tồn cùng năm tháng.

Gìn giữ bảo vật cho muôn đời sau

Đây là những văn bản đầu tiên ra đời từ sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời được thành lập, bước vào thời kỳ xây dựng, củng cố chính quyền nhà nước. Trong khoảng 150 ngày (02/9/1945 đến 02/3/1946), Chính phủ lâm thời đã ban hành 118 Sắc lệnh, là những biện pháp, quyết sách của Chính phủ trong giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, nhằm xây dựng, củng cố chính quyền về mọi mặt như tổ chức xây dựng hệ thống chính quyền nhà nước từ trung ương tới địa phương (tổ chức cuộc Tổng Tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội, Hội đồng nhân dân; soạn thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…); các chính sách ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh, xã hội… của nước Việt Nam độc lập.

77 năm Quốc khánh: Về nơi lưu giữ Bảo vật quốc gia - Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa 1945-1946 ảnh 1Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945 – 1946. Ảnh: Công an nhân dân online

Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945-1946 là khối tài liệu lưu trữ đặc biệt quý, hiếm, với những bản gốc, độc bản, có hình thức độc đáo, nhiều bản có bút tích sửa chữa, bổ sung nội dung dưới dạng viết tay và có giá trị pháp lý của người có thẩm quyền ban hành văn bản. Trong đó, 87 Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, 25 Sắc lệnh do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ ký và 6 Sắc lệnh còn lại có bút tích sửa chữa và đánh máy ghi tên Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp.

Nội dung của các Sắc lệnh phản ánh chân thực nhất hiện thực lịch sử, chính trị, xã hội của dân tộc Việt Nam cuối năm 1945, đầu năm 1946, về những vấn đề nổi bật trong công cuộc xây dựng, củng cố chính quyền. Mỗi Sắc lệnh được ban hành là kết quả của quá trình lao động sáng tạo, tập trung, thống nhất trí tuệ, ý chí của tập thể các thành viên Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Theo ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ), những tài liệu đó xứng đáng được bảo vệ, nâng niu và đặc biệt xứng đáng được phát huy để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận. Vì vậy, năm 2016, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã tham mưu với Bộ Nội vụ và đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ công nhận khối tài liệu từ những ngày đầu của nền độc lập non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Bảo vật quốc gia, để các thế hệ mai sau tiếp tục sự nghiệp gìn giữ, phát huy đúng ý nghĩa của từ “bảo vật”.

Những cống hiến lặng thầm

Đeo găng tay vải trắng muốt, lần giở nhẹ nhàng từng trang tài liệu nhuốm màu thời gian nhưng nét chữ vẫn sáng rõ, vẹn nguyên, ông Võ Thiết Cương - Trưởng phòng bảo quản tài liệu, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết, thường những tài liệu được đưa vào Lưu trữ quốc gia là những tài liệu có thời hạn bảo quản vĩnh viễn. Nhiệm vụ của cán bộ Trung tâm là bảo đảm an toàn tuyệt đối tất cả những khối tài liệu có ở trong kho.

“Tài liệu chủ yếu bằng giấy dó và giấy Pelure, chất liệu kém, nên để kéo dài tuổi thọ của tài liệu, trước khi đưa vào kho, chúng tôi tiến hành khử trùng toàn bộ để chống mối mọt và nếu nhiễm axit, chúng tôi khử axit ngay lập tức để chữ và nét mực không bị bay. Phải thường xuyên vệ sinh tài liệu, hàng năm phải thống kê tình trạng tài liệu, nếu tình trạng vật lý kém thì tiến hành tu bổ để kéo dài tuổi thọ tài liệu. Chúng tôi cũng ưu tiên số hóa những tài liệu này để độc giả khai thác trực tiếp trên phần mềm quản lý tài liệu lưu trữ, tránh tiếp xúc với tài liệu dẫn đến giảm tuổi thọ của tài liệu”, ông Cương nói.

Nhiệt độ trong các kho lưu trữ tài liệu giấy luôn phải bảo đảm ở quanh mức từ 18-22 độ C và độ ẩm từ 48%-52%. Đây là hệ thống kho có kỹ thuật hiện đại bậc nhất, đa số các thiết bị được nhập khẩu từ nước ngoài và công tác bảo quản cũng dựa trên khoa học kỹ thuật mới nhất hiện nay. Chỉ những ai có nhiệm vụ liên quan mới được vào kho lưu trữ, bảo quản tài liệu.

30 năm gắn bó với công việc giữ gìn di sản dân tộc, cái nghề cống hiến thầm lặng đã thấm sâu vào người Trưởng phòng nhỏ bé, khắc khổ ấy, hình thành tính cách kín đáo, từ tốn, tỉ mỉ. Ông Cương chia sẻ, đặc thù công việc âm thầm, ít va chạm xã hội, đây cũng là một hạn chế. Các tài liệu đã được khử hóa chất, axit, nên việc tiếp xúc nhiều cũng làm tay chân dễ bị bong da, gây ngứa.

Trong Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận “để có một kho tàng di sản quốc gia của dân tộc và việc phát huy giá trị di sản tư liệu quốc gia được như ngày hôm nay là sự dày công kiên trì, tỉ mỉ, cần mẫn và sự nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm rất cao của các thế hệ tiếp nối thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cũng như toàn ngành văn thư và lưu trữ cả nước. Đây còn là mồ hôi, công sức trí tuệ, sự hy sinh thầm lặng, cống hiến với tinh thần sáng tạo, năng động, linh hoạt để giữ gìn nguyên vẹn tài liệu di sản an toàn, trường tồn với thời gian và phát huy những giá trị tài nguyên quốc gia của lịch sử do cha ông trao truyền lại cho các thế hệ muôn đời sau; qua đó thiết thực đóng góp vào xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hùng cường và thịnh vượng”.

Đi cùng năm tháng, qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, dù phải sơ tán đi nhiều nơi, bảo quản trong điều kiện không tốt, nhưng Bảo vật quốc gia - Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945-1946 vẫn vẹn nguyên. Gần 80 năm trôi qua, những Sắc lệnh đầu tiên vẫn còn nguyên giá trị, phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ đổi mới, góp phần tuyên truyền về truyền thống dân tộc và công lao của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ độc lập dân tộc.

Phát huy giá trị tài liệu

“Tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản mang hồn cốt của dân tộc, chứa đựng giá trị thông tin về lịch sử, chính trị, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo cũng như mọi mặt của đời sống. Chỉ khi người dân tiếp cận được đơn giản nhất, thuận tiện nhất thì giá trị của tài liệu mới thực sự phát huy đúng theo ý nghĩa của nó”, quan điểm này của Cục trưởng Đặng Thanh Tùng cho thấy tầm quan trọng của việc phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.

Chuyển đổi số chính là con đường nhanh nhất, ngắn nhất để những tài liệu đó sống động hơn, vượt qua giới hạn về thời gian, vượt qua nỗi lo lắng bảo quản tài liệu mỗi khi cần tra cứu. Lưu trữ điện tử là tiền đề quan trọng để những thông tin tri thức trong tài liệu lưu trữ có thể đến được với xã hội, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

77 năm Quốc khánh: Về nơi lưu giữ Bảo vật quốc gia - Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa 1945-1946 ảnh 2Sắc lệnh của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc ấn định Quốc kỳ Việt Nam. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ

Là khối tài liệu đặc biệt quan trọng, phản ánh và minh chứng về thời kỳ lịch sử quan trọng của Việt Nam hiện đại, đặt nền móng xây dựng chế độ Dân chủ nhân dân ở Việt Nam, Bảo vật quốc gia - Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945-1946 là nguồn tài liệu không thể thiếu phục vụ nghiên cứu về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, về lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, sự hình thành, phát triển của các cơ quan, bộ, ngành và địa phương trong cả nước. Tập Sắc lệnh đã được số hóa và được sử dụng, phát huy giá trị một cách thường xuyên, đều đặn, đa dạng về hình thức.

Những năm qua, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã triển khai tổ chức khai thác, sử dụng, phát huy giá trị tập Sắc lệnh đảm bảo các quy định của nhà nước dưới nhiều hình thức khác nhau và nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan, tổ chức cũng như nhiều đối tượng độc giả trong và ngoài nước. Hình thức phát huy giá trị tài liệu được tiến hành thường xuyên và phổ biến nhất là phục vụ sử dụng tài liệu tại Phòng Đọc. Trong 5 năm (1916-2021), trung bình mỗi năm Phòng Đọc của Trung tâm đón tiếp 1.500 độc giả, trong đó có nhiều độc giả đến khai thác bản số hóa của tập Sắc lệnh.

Việc thực hiện trưng bày, triển lãm tài liệu cũng được Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tổ chức thường xuyên, theo từng chuyên đề và tiểu đề khác nhau, nhằm giúp độc giả, khách tham quan và các nhà nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho hay, Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Trung tâm biên soạn, xuất bản theo từng chuyên đề hoặc được lồng ghép, sử dụng nhằm khắc họa sâu sắc một sự kiện của đất nước, địa phương, một lĩnh vực, hoặc về cuộc đời, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một nhân vật lịch sử, nhà hoạt động cách mạng nhân kỷ niệm những sự kiện lịch sử trọng đại…

Năm 2017, sau khi được công nhận là Bảo vật quốc gia, cuốn sách Bảo vật quốc gia - Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời 1945-1946 được xuất bản (số lượng 1000 cuốn) giới thiệu đầy đủ các Sắc lệnh của Chính phủ lâm thời và một số tài liệu lưu trữ quý hiếm là Biên bản Hội đồng Chính phủ và các hình ảnh minh chứng về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cùng toàn dân quyết tâm xây dựng, củng cố chính quyền năm 1945-1946. Năm 2020, một số Sắc lệnh bảo vật quốc gia tiếp tục được lựa chọn phục vụ biên soạn và xuất bản sách: Cách mạng tháng Tám xây dựng và củng cố chính quyền 1945-1946. Đây là những ấn phẩm được biên soạn khoa học, công phu, giới thiệu chọn lọc, có hệ thống tài liệu lưu trữ quý hiếm của Trung tâm.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn đẩy mạnh việc công bố, giới thiệu giá trị tài liệu lưu trữ trên mạng internet; phối hợp và chủ động xây dựng các bộ phim tuyên truyền giới thiệu về các Sắc lệnh, từ đó góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống dân tộc… Hiệu quả công tác phát huy giá trị của Bảo vật quốc gia đã tăng lên đáng kể. Số lượng Sắc lệnh được giới thiệu có hệ thống, đầy đủ cả về nội dung và hình thức.

Chu Thanh Vân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm