60% trường học ở Đắk Lắk đạt chuẩn quốc gia

Giờ học của học sinh tiểu học ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk). Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Giờ học của học sinh tiểu học ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk). Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Năm 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực không ngừng, chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện chương trình, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Đỗ Tường Hiệp, năm 2023, ngành có 10 dấu ấn nổi bật. Trong đó, thành công nhất là việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2023. Đặc biệt, chỉ tiêu về trường đạt chuẩn quốc gia đạt 60% (chỉ tiêu 58%); triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 trong muôn vàn khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ…

Chất lượng giáo dục được nâng lên, giáo dục mũi nhọn tăng cao, đạt nhiều kết quả tốt. Trong năm 2023, tỉnh Đắk Lắk có một giải Nhì tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật toàn quốc; 3 giải Nhất, Nhì, Ba tại Cuộc thi Ngày hội Khởi nghiệp toàn quốc.

Đặc biệt, tại Cuộc thi Học sinh Giỏi Trung học Phổ thông toàn quốc, Đắk Lắk có 60 giải; trong đó có 3 giải Nhất, 10 giải Nhì. “Đây là một kết quả đáng tự hào. So với 10 tỉnh Duyên hải miền Trung, tỉnh Đắk Lắk nằm trong top đầu”, ông Đỗ Tường Hiệp chia sẻ.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục đang tăng cường chuyển đổi số trong dạy học và quản lý giáo dục. Ngành đã số hóa cơ bản về hồ sơ, sổ sách, học bạ điện tử, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong triển khai dạy học, tuyển sinh trực tuyến…

Theo ông Đỗ Tường Hiệp, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dạy và học trong thời gian qua vẫn tồn tại một số hạn chế, khó khăn như: Việc đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thực hiện chuyển đổi số gặp khó khăn trong nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu, chỉ đạt mức tối thiểu; thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các môn học…

Để tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2023 -2024, ông Đỗ Tường Hiệp cho biết, với chủ đề: “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, ngành tiếp tục chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện chương trình học kỳ II, năm học 2023-2024; đảm bảo hoàn thành chương trình năm học đúng kế hoạch.

Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học, tạo điều kiện để học sinh được đến trường thuận lợi nhất. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo hoạt động giáo dục.

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng và hiệu quả; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện trong năm học tiếp theo… Đặc biệt, ngành xây dựng kế hoạch hỗ trợ học sinh nghèo, khó khăn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được đến trường học tập, thực hiện ước mơ, khát vọng của bản thân…

Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 1.002 trường, 15.506 lớp, nhóm lớp với 493.832 học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành là 33.646 người. Trong học kỳ I, tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo đạt 99,5%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,98%; tỷ lệ trẻ 11 tuổi vào lớp 6 đạt 96,85%.

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có gần 75% phòng học kiên cố; 622 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 60,9%, vượt kế hoạch đề ra.

Nguyên Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm