50 năm Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972 - 24/4/2022): Vang mãi bản hùng ca

Các đại biểu dâng hoa và thăm quan các hiện vật chiến tranh tại khuôn viên Tượng đài Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (Kon Tum). Ảnh: Khoa Chương - TTXVN
Các đại biểu dâng hoa và thăm quan các hiện vật chiến tranh tại khuôn viên Tượng đài Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (Kon Tum). Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Cách đây 50 năm, với tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu quật cường, quân và dân Đắk Tô cùng với nhân dân tỉnh Kon Tum đã làm nên chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh. Đây là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của quân và dân Tây Nguyên, khẳng định bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang trong tác chiến hiệp đồng binh chủng, góp phần tạo thế và lực mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

50 năm Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972 - 24/4/2022): Vang mãi bản hùng ca ảnh 1Các đại biểu dâng hoa và thăm quan các hiện vật chiến tranh tại khuôn viên Tượng đài Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (Kon Tum). Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Cú đấm mở toang cánh cửa thép Bắc Tây Nguyên

Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tây Nguyên được biết đến là địa bàn chiến lược quan trọng, các nhà quân sự từng đánh giá “Ai chiếm được Tây Nguyên thì làm chủ Đông Dương". Trong đó, Kon Tum là tỉnh nằm ở phía Bắc Tây Nguyên án ngữ ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia; nối liền tuyến hành lang Bắc-Nam và tuyến hành lang giữa Đông-Tây Trường Sơn nên càng trở nên quan trọng trong thế địa quân sự, địa chính trị của Tây Nguyên.

Để giữ vị trí chiến lược quan trọng này, đế quốc Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn tập trung xây dựng vùng Bắc Tây Nguyên thành một trong những hệ thống cứ điểm phòng ngự quân sự mạnh mà trung tâm là cụm phòng ngự Đắk Tô-Tân Cảnh.

Đầu năm 1972, lực lượng địch tập trung trên toàn tỉnh Kon Tum khá lớn, với tổng cộng 24 tiểu đoàn, bố trí hai tuyến phòng ngự: một tuyến từ phía tây sông Pô Cô-Đắk Tô-Tân Cảnh và đường 18; một tuyến từ thị xã dọc theo đường 14 đến Đắk Tô. Trên tuyến này, địch cho quân đóng ở các điểm chốt và lập thêm bốn căn cứ hoả lực, 35 đại đội bảo an, 107 trung đội nghĩa quân và 8.000 phòng vệ dân quân. Với lực lượng này, địch muốn thực hiện ý đồ ngăn chặn sự tấn công của ta từ bên ngoài vào; đồng thời củng cố giữ vững các tuyến phòng thủ, cố kẹp dân các ấp khu đồn; dùng máy bay đánh phá các vùng giáp ranh, căn cứ hành lang vận chuyển, kho tàng, cơ quan… của ta, chúng còn đẩy mạnh hoạt động chiến tranh tâm lý, trắng trợn bắt lính, tăng cường bộ máy kìm kẹp ở cơ sở để tiếp tục “bình định” đánh phá, truy quét cơ sở ta ở bên trong và cố đẩy lực lượng ta ra ngoài.

50 năm Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972 - 24/4/2022): Vang mãi bản hùng ca ảnh 2Các đại biểu dâng hoa và thăm quan các hiện vật chiến tranh tại khuôn viên Tượng đài Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (Kon Tum). Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Thực hiện chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, Khu ủy V và Tỉnh ủy Kon Tum đã quyết định mở chiến dịch Xuân-Hè 1972 nhằm “Tiêu diệt địch, giải phóng Đắk Tô-Tân Cảnh, có điều kiện thì giải phóng thị xã Kon Tum. Hướng phát triển có thể là hướng Pleiku; có điều kiện thì mở rộng vùng giải phóng phía tây Pleiku, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, hình thành căn cứ địa hoàn chỉnh nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ”.

Với phương pháp tác chiến chiến lược “vây hãm, tiêu diệt sinh lực kết hợp với đột phá”, Bộ Chỉ huy chiến dịch tại Tây Nguyên, qua nghiên cứu tình hình phòng ngự của địch, đã chủ trương hình thành thế trận đánh chia cắt địch ở Kon Tum với Pleiku, thị xã Kon Tum với Đắk Tô-Tân Cảnh, tạo thế cô lập từng cụm quân địch; đồng thời dùng thế trận vây hãm địch ở thị xã Kon Tum buộc chúng phải phân tán lực lượng, làm cho lực lượng tuyến phòng thủ ở Đắk Tô-Tân Cảnh bị suy yếu, tạo điều kiện cho quân ta tiến lên tiêu diệt địch.

Đêm 23 rạng sáng ngày 24/4/1972, sau khi thực hiện thành công kế hoạch nghi binh, thu hút sức chống đỡ của địch về phía Tây và phía Bắc, quân ta được lệnh bất ngờ đột phá trận địa phòng ngự của địch từ phía Đông. Công sự trong các căn cứ địch lần lượt sụp đổ, kho đạn nổ tung, kho xăng bốc cháy, khu trung tâm thông tin của địch bị đạn pháo của ta phá huỷ hoàn toàn.

Sau 8 tiếng tấn công quyết liệt và thần tốc, 11 giờ trưa ngày 24/4/1972 ta làm chủ hoàn toàn trận địa, lá cờ giải phóng tung bay tại trung tâm cứ điểm E42-Tân Cảnh. Cụm phòng ngự Đắk Tô-Tân Cảnh, nơi được Mỹ-ngụy mệnh danh là “vành đai thép” ở Bắc Tây Nguyên bị quân ta tiêu diệt gọn, giải phóng một vùng rộng lớn với hơn 300 km2 với 25.000 dân.

Chiến thắng Đắk Tô-Tân Cảnh là khúc ca hùng tráng về tinh thần chiến đấu dũng cảm và kiên cường, đoàn kết một lòng, hợp đồng chặt chẽ giữa các binh chủng, giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Chiến thắng Đắk Tô-Tân Cảnh đã làm thay đổi cục diện chiến trường ở Tây Nguyên, góp phần làm nên thắng lợi tại Hội nghị Paris buộc đế quốc Mỹ phải ký hiệp định Paris, chấp nhận thất bại rút quân về nước; tạo bước đà cho Đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

50 năm Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972 - 24/4/2022): Vang mãi bản hùng ca ảnh 3Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng thăm, tặng quà cho hộ gia đình bà Y Buông - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (trú tại thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô). Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Vùng đất lửa chuyển mình

Nửa thế kỷ đã trôi qua, song chiến thắng Đắk Tô-Tân Cảnh mãi còn nguyên giá trị lịch sử! Di tích lịch sử Đắk Tô-Tân Cảnh được công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt (năm 2016) đã trở thành địa chỉ về nguồn cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Đây là điểm đến ý nghĩa cho những du khách trong nước và quốc tế muốn khám phá, tìm hiểu chiến trường xưa.

Kế thừa và tiếp nối truyền thống cách mạng kiên cường, Đảng bộ và Nhân dân huyện Đắk Tô luôn tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh mới. 50 năm, vùng đất chết bởi mưa bom bão đạn ngày ấy giờ đây đã trở thành một vùng quê trù phú gắn bó của nhiều thế hệ.

Sự đổi thay rõ rệt nhất chính là màu xanh của những vườn cao su, cà phê… nằm xen lẫn giữa những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi. Sự "bừng sáng" của các thôn, làng nhất là làng người đồng bào dân tộc thiểu số với những con đường nhựa, bê tông, những mô hình kinh tế hiệu quả cao... Cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp đồng bộ, điện được kéo tới các thôn làng.

Đến nay, 100% số xã ở Đắk Tô đã có điện lưới quốc gia, có trạm y tế, có trường tiểu học, có chợ bán buôn… Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay nhưng Đắk Tô vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 40 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển thì các hủ tục lạc hậu cũng được bà con loại bỏ, thay vào đó là nếp sống văn hóa thôn, làng lành mạnh; trật tự an ninh được giữ vững, làm tiền đề để xây dựng thành công chương trình “nông thôn mới”.

Tân Cảnh - cụm cứ điểm then chốt bị bom đạn tàn phá năm nào giờ cũng đổi thay mạnh mẽ. Dấu tích của những hố bom, hố đạn đã dần biến mất. Những quả đồi "trọc" do chất độc hóa học… nay được phủ lên màu xanh của cây rừng và các loại cây công nghiệp.

Không chỉ Tân Cảnh đang "hồi sinh" mạnh mẽ mà các địa phương khác ở huyện Đắk Tô như: Diên Bình, Kon Đào, Ngọc Tụ, Đắk Trăm, Đắk Rơ Nga, Văn Lem và thị trấn Đắk Tô cũng đang phát triển nhanh mọi mặt. “Vùng đất lửa” Đắk Tô đang hồi sinh mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế-xã hội cao của tỉnh Kon Tum.

Nửa thế kỷ trôi qua nhưng khí thế của chiến thắng Đắk Tô-Tân Cảnh dường như vẫn hừng hực, nhất là vào mỗi độ tháng Tư về. Thắng lợi vẻ vang đó sẽ luôn song hành cùng Đảng bộ và nhân dân huyện Đắk Tô trong xây dựng và phát triển huyện nhà ngày càng giàu mạnh.

Diệp Ninh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm