Toàn cảnh Trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Ninh. Ảnh: Thanh thương/TTXVN |
Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà sử học Phan Huy Chú đã ghi nhận: “Kinh Bắc có mạch núi cao chót vót, nhiều sông núi vòng quanh, là mạn trên của nước ta… Mạch đất tụ vào đấy, càng nhiều chỗ có dấu tích đẹp, tinh hoa họp vào đấy, nên sinh ra nhiều danh thần, vì là khí hồn trọng ở phương Bắc phát ra nên khác với mọi nơi”. Kinh Bắc - Bắc Ninh là cái nôi của Nho giáo, đất khoa bảng nổi tiếng cả nước, được sử sách và dân gian ca ngợi là đất của “một giỏ ông Đồ, một bồ ông Cống, một đống Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”. Và hôm nay, miền quê đất khoa bảng đang trở thành “cứ điểm” của các thương hiệu toàn cầu như Samsung, Microsft, Canon, Foxconn, Semcorp, PespiCo…
Với một tầm nhìn tương lai, những hoạch định chiến lược được chính quyền và người dân Bắc Ninh chung sức, đồng lòng quyết tâm xây dựng quê hương thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Bởi vậy, Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu sắp xếp lại sản xuất. Hàng nghìn ha đất được quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Hàng loạt các chính sách, quy định cởi mở, hấp dẫn, tạo hình ảnh một Bắc Ninh thông thoáng, thân thiện đã cuốn hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến dựng nghiệp. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi đến Bắc Ninh đều thừa nhận “Bắc Ninh đất lành chim đậu”!
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh chia sẻ, nhớ những ngày đầu tái lập tỉnh, Bắc Ninh gặp muôn vàn khó khăn, thách thức bởi có điểm xuất phát thấp về kinh tế, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng vừa thiếu, vừa yếu, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn… Song được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, với ý trí, nghị lực và quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân, Bắc Ninh đã phát huy được những tiềm năng, thế mạnh, khai thác hiệu quả các nguồn lực, từng bước vượt qua khó khăn thách thức, đạt những thành tựu quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế – xã hội.
Những bước phát triển vượt bậc của Bắc Ninh sau 20 năm được khẳng định trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, duy trì ở mức hai con số, giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước. Năm 2016, GRDP theo giá hiện hành của tỉnh ước đạt hơn 125 nghìn tỷ đồng (theo giá so sánh gấp 15,2 lần năm 1997); bình quân 20 năm tăng 15,1%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó khu vực nông nghiệp giảm mạnh, tỷ trọng từ 45,1% năm 1997 xuống còn 5% năm 2016; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng nhanh, từ 23,8% năm 1997 tăng lên 74,3% năm 2016.
Từ một tỉnh thuần nông, sau 20 năm tái lập nhân dân Bắc Ninh đã kiến thiết thành một tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, với hệ thống các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp, mạng lưới giao thông, đô thị đồng bộ. Trên mảnh đất chỉ rộng hơn 820 km2 đã thu hút số vốn đầu tư lên tới hơn 13,1 tỷ USD, với 1.036 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (trong nước là 369, FDI là 667). Nhiều năm liền, Bắc Ninh đứng trong tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư, năm 2016 xuất siêu đạt khoảng 6,5 tỷ USD, góp phần đáng kể trong việc dịch chuyển cán cân thương mại của cả nước từ nhập siêu chuyển dần sang xuất siêu. Tầm vóc và sức ảnh hưởng của các khu công nghiệp Bắc Ninh được khắc họa sinh động trong bức tranh kinh tế toàn tỉnh, trở thành đầu tầu tăng trưởng kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ.
Hoạt động ngoại thương phát triển vượt bậc, nếu như năm 1997, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bắc Ninh mới đạt hơn 20 triệu USD, đến năm 2016 ước đạt 22,8 tỷ USD. Quy mô thị trường hàng hóa ngày càng mở rộng, đa dạng hóa các ngành dịch vụ với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng cao, năm 2016 ước đạt hơn 39 nghìn tỷ đồng, gấp 41 lần năm 1997.
Mặc dù kinh tế công nghiệp phát triển vượt bậc nhưng Bắc Ninh không quên kế thừa phát huy giá trị cốt lõi của kinh tế vùng đất Kinh Bắc xưa, thế nên các làng nghề thủ công truyền thống (đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, tơ tằm Vọng Nguyệt…) được địa phương giữ gìn và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Duy trì và gắn bó với nghề truyền thống cũng chính là cách thể hiện tình yêu của người dân Bắc Ninh với quê hương, xử sở, với mảnh đất giầu trầm tích văn hóa này.
Hiện đại, năng động cập nhật với thời cuộc, đồng thời Bắc Ninh còn chú trọng gìn giữ bản sắc văn hóa và các giá trị truyền thống. Toàn tỉnh đã có 574/1.558 di tích được xếp hạng; trong đó có 4 di tích hạng quốc gia đặc biệt, 194 di tích cấp quốc gia; 5 nhóm hiện vật, cổ vật được công nhận bảo vật quốc gia; hai di sản được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể nhân loại; một nghi lễ và trò chơi được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia; 8 lễ hội, làng nghề truyền thống được xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Sau 20 năm chia tách, đến nay, Bắc Ninh đã khẳng định vị thế mới của tỉnh trong công cuộc phát triển của đất nước, trở thành một trong những đầu tàu của cả nước với nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội đứng trong tốp dẫn đầu như: GRDP xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; GRDP bình quân đầu người gấp 24,7 lần so với năm 1997 và gấp 2,3 lần bình quân chung cả nước, xếp thứ 2 (sau Bà Rịa - Vũng Tàu, do tính cả khai thác dầu thô); Quy mô sản xuất công nghiệp xếp thứ 2 cả nước (chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh); Tính đến hết năm 2015, Bắc Ninh đứng thứ 2 cả nước về kim ngạch xuất khẩu, xếp thứ 11 về thu ngân sách nhà nước (từ năm 2011 là một trong 13 địa phương có điều tiết ngân sách nhà nước về Trung ương); đứng thứ 4 về thi học sinh giỏi THPT quốc gia, đứng thứ 7 về tỷ lệ hộ nghèo thấp, xếp thứ 2 về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số phát triển con người (HDI)... đều nằm trong tốp đầu của cả nước.
Những thành quả đạt được sau 20 năm là tiền đề để đưa Bắc Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 20 của thế kỷ 21 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.