Chiều 28/9, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức họp báo, giới thiệu về Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II. Đây cũng là dịp Thái Nguyên hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập thành phố (19/10/1962-19/10/2022) và công bố thành lập thành phố Phổ Yên (tháng 10/2022).
Theo Ban Tổ chức, Ngày hội với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển” sẽ diễn ra từ ngày 6-8/10. Hàng ngàn nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên, vận động viên quần chúng đến từ 14 tỉnh gồm: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa sẽ tham gia Ngày hội.
Lễ khai mạc sẽ diễn ra tối 6/10 tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Thái Nguyên, được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV5, Đài Truyền hình Việt Nam. Sau phần lễ sẽ là chương trình nghệ thuật chào mừng có chủ đề “Giấc mơ mặt trời”, gồm 3 chương với 12 cảnh diễn. Ba chương gồm “Gọi non ngàn thức giấc”, “Những cung bậc núi rừng” và “Khúc tự tình trên núi” sẽ diễn tả toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa của người Dao, hội tụ những nét văn hóa cơ bản nhất sắp xếp theo trình tự như một ngày điển hình của người Dao.
Lễ bế mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II sẽ diễn ra tối 8/10 tại sân khấu Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Trước lễ khai mạc, đại biểu 14 tỉnh tham gia Ngày hội sẽ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sỹ thanh niên xung phong tại Khu Di tích lịch sử quốc gia - Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915 - Đội 91 Bắc Thái; sau đó sẽ diễu hành qua các trục đường lớn trong thành phố và kết thúc tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Trong số các hoạt động của Ngày hội, đáng chú ý là Triển lãm “Đặc trưng văn hóa dân tộc Dao trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam” diễn ra tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Triển lãm giới thiệu những đặc trưng văn hóa dân tộc Dao thông qua hình ảnh, hiện vật, trang phục, nhạc cụ dân tộc, chữ và sách cổ, sản phẩm văn hóa dân tộc tiêu biểu. Trong khuôn khổ Ngày hội còn diễn ra các hoạt động thể thao; trình diễn trang phục dân tộc; giới thiệu trích đoạn các lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; Liên hoan văn nghệ quần chúng; quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch cộng đồng…
Tỉnh Thái Nguyên tổ chức cho các đoàn tham quan tại nhiều điểm đến trong tỉnh như: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Không gian văn hóa Trà, vùng chè Tân Cương - Khu du lịch Hồ Núi Cốc; Di tích lịch sử Đại đội Thanh niên xung phong 915, Đội 91 Bắc Thái - Trung tâm thương mại và du lịch Dũng Tân - Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải - Không gian văn hóa Trà, vùng chè Tân Cương; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Đền Đuổm - Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa và Di tích lịch sử Đại đội Thanh niên xung phong 915, Đội 91 Bắc Thái - Điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng - Vườn Na xã Phú Thượng - Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà (huyện Võ Nhai)…
Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II sẽ tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Dao trong nền văn hoá thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Các hoạt động góp phần giới thiệu, quảng bá, kích cầu du lịch; tạo không gian văn hóa để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước.
Thanh Giang