Thu hoạch sầu riêng ở huyện Cai Lậy. Ảnh: Minh Trí - TTXVN |
Theo ông Ngô Văn Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, nhiều giải pháp được đưa ra để đạt mục tiêu; trong đó, tỉnh kiện toàn mạng lưới chợ nông thôn cho phù hợp với chủ trương, chính sách về phát triển thương mại cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương trước mắt cũng như lâu dài.
Bên cạnh đó, phát triển thị trường nội địa, ổn định cung – cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát chất lượng và giá các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe nhân dân. Đồng thời, thắt chặt công tác quản lý thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp gian lận thương mại, buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Ngoài ra, trong năm 2018, Tiền Giang tiếp tục tổ chức các phiên đưa hàng Việt về nông thôn, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, khuyến khích “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Thông qua công tác xúc tiến thương mại nội địa, tỉnh cũng tổ chức các phiên hội chợ nhân các dịp lễ, hội quan trọng trong năm nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã thương mại – dịch vụ trên địa bàn tỉnh ngày càng có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường. Đồng thời, mở rộng giao thương, góp phần tiêu thụ tốt sản phẩm, kinh doanh có hiệu quả, đóng góp vào sự tăng trưởng ổn định của nền thương mại – dịch vụ tỉnh Tiền Giang.
Trong năm 2017, Tiền Giang đã đạt tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 55.820 tỉ đồng, tăng 6,1% so năm trước; trong đó, riêng ngành thương nghiệp đã đạt 45.190 tỉ đồng, tăng 5,7% so năm trước; còn lại là doanh thu từ các ngành nhà hàng - khách sạn, du lịch...