Phụ nữ vùng cao Bắc Yên chung tay phát triển kinh tế

Phụ nữ vùng cao Bắc Yên chung tay phát triển kinh tế
Phát triển nông nghiệp truyền thống

Chị Mùa Thị Bla (dân tộc Mông, sinh năm 1971) ở xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên. Gia đình chị đã tích cực tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, qua đó tăng thu nhập cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều hội viên phụ nữ ở địa phương.

Sinh ra và lớn lên tại xã Tà Xùa, năm 1989, chị Mùa Thị Bla theo chồng về sống tại xã Làng Chếu. Trước đây, kinh tế gia đình chị chỉ trông vào nương ngô. Nhiều lúc, các thành viên trong gia đình không đủ cơm ăn, áo mặc. Năm 1998, đặt mục tiêu vươn lên thoát nghèo, vợ chồng chị Mùa Thị Bla quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát nương để trồng hơn 5ha cây sơn tra (táo mèo).

Chị Mùa Thị Bla tích cực tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng ngô sang trồng dong giềng và giống táo Sơn La, đem lại thu nhập khoảng 900 triệu/năm. Ảnh: Diệp Anh – TTXVN
Chị Mùa Thị Bla tích cực tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng ngô sang trồng dong giềng và giống táo Sơn La, đem lại thu nhập khoảng 900 triệu/năm. Ảnh: Diệp Anh – TTXVN

Gia đình chị Mùa Thị Bla là một trong những hộ đầu tiên trồng cây sơn tra tại xã Làng Chếu. Vợ chồng chị đã đi nhiều nơi ở trong và ngoài tỉnh để học tập kinh nghiệm, ứng dụng kĩ thuật trồng trọt. Chị  Mùa Thị Bla chia sẻ: Việc gieo trồng, chăm sóc cây sơn tra gặp rất nhiều khó khăn. Vì còn hạn chế trong nói tiếng phổ thông, nhiều khi khách đến thu mua quả sơn tra tại nương nhưng chị không biết để trò chuyện, thống nhất giá cả.

Được sự động viên, giúp đỡ của hội viên phụ nữ trong xã, khả năng nói tiếng phổ thông của chị Bla đã dần được cải thiện. Hiện, chị không phải gùi quả sơn tra xuống thị trấn bán mà có tiểu thương đến thu mua tại vườn. Có năm, gia đình chị thu hoạch được hơn 30 tấn quả sơn tra. Quyết tâm phát triển kinh tế bằng sản xuất nông nghiệp, năm 2011, gia đình chị còn áp dụng mô hình trồng dong giềng dưới cây phân tán để tăng thêm thu nhập.

Bà Lường Thúy Vinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bắc Yên đánh giá: Chị Mùa Thị Bla là hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số cần cù, chịu khó phát triển sản xuất. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình vững chắc, chị Bla còn quan tâm giúp đỡ nhiều hội viên phụ nữ khác. Mô hình sản xuất nông nghiệp của gia đình chị tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương 7 triệu đồng/tháng, giúp nhiều các chị ổn định cuộc sống.

Mạnh dạn đầu tư kinh doanh và dịch vụ

Chị Quàng Thị Úa (dân tộc Thái, sinh năm 1973) ở xã Tạ Khoa cũng  là một phụ nữ làm kinh tế giỏi ở huyện Bắc Yên. Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, mô hình kinh doanh và dịch vụ hàng nông sản của chị đã đem lại thu nhập trên 1,5 tỷ đồng/năm.

Chị Quàng Thị Úa hỗ trợ, cung cấp giống cây trồng, vật tư và vốn không tính lãi cho nhiều hội viên phụ nữ trong xã với số tiền hơn 500 triệu đồng/năm. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN
Chị Quàng Thị Úa hỗ trợ, cung cấp giống cây trồng, vật tư và vốn không tính lãi cho nhiều hội viên phụ nữ trong xã với số tiền hơn 500 triệu đồng/năm. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN

Trước đây chị Quàng Thị Úa cùng gia đình phát triển kinh tế dựa vào trồng trọt và chăn nuôi kết hợp. Song nhiều vụ mùa gia đình chị luôn rơi vào tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa". Chị luôn trăn trở làm thế nào để cải thiện thu nhập và ổn định cuộc sống gia đình. Năm 2013, nhận thấy hàng nông sản nhiều nhưng chưa có đầu mối tiêu thụ, chị đã mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh và làm dịch vụ. Gia đình chị đã đứng ra bao tiêu hàng nông sản cho bà con, đồng thời cung ứng giống cây trồng,vật tư và thiết bị nông nghiệp tại địa phương.

Chị Quàng Thị Úa cho biết: Với đặc thù địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn ở huyện vùng cao, quá trình chuyển đổi và mở rộng kinh doanh của gia đình chị gặp không ít khó khăn. Việc vận chuyển, giao thương hàng hóa không thuận lợi. Để khắc phục khó khăn, năm 2016, gia đình chị chủ động đầu tư tuyến đường nhựa dài gần 10 km từ khu sản xuất bản Nhạn Cuông đến khu sản xuất bản Ọ A tại xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên. Nhờ đó, hàng hóa, nông sản được người dân mang đi tiêu thụ thuận lợi hơn.

Nhận thấy hội viên phụ nữ còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, chị Quàng Thị Úa đã hỗ trợ vốn không tính lãi cho nhiều chị với số tiền hơn 500 triệu đồng/năm. Hoạt động kinh doanh và dịch vụ của gia đình chị đã tạo việc làm ổn định cho 12 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/ người/tháng.

Theo bà Mùi Thị Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Hội Phụ nữ tỉnh Sơn La: Bắc Yên là huyện vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La. Địa bàn huyện có nhiều hội viên phụ nữ là người dân tộc thiểu số sinh sống. Năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bắc Yên quản lý 62 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ gần 62 tỉ đồng, giúp trên 2.000 hội viên phụ nữ lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia mô hình kinh tế tập thể như hợp tác xã, liên minh hợp tác xã. Tham gia các mô hình, hội viên phụ nữ được hỗ trợ phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị, chú trọng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn, hàng hóa có giá trị cao.
Diệp Anh

Có thể bạn quan tâm