Đông Bắc Bộ vài nét tổng quan

Đông Bắc Bộ vài nét tổng quan
Các tiểu vùng địa lý tự nhiên của miền Bắc Việt Nam
Các tiểu vùng địa lý tự nhiên của miền Bắc Việt Nam

Vùng đông bắc là vùng lãnh thổ ở hướng Bắc vùng đồng bằng sông Hồng, Việt Nam. Gọi là đông bắc để phân biệt với vùng tây bắc, còn thực chất nó ở vào phía bắc và đông bắc của Hà Nội, rộng hơn vùng Việt Bắc. Vùng đông bắc là một trong 3 tiểu vùng địa lý tự nhiên của Bắc Bộ Việt Nam (2 tiểu vùng kia là Vùng tây bắc và Đồng bằng sông Hồng).

Đặc điểm địa hình

Đây là vùng núi và trung du với nhiều khối núi và dãy núi đá vôi hoặc núi đất. Phần phía tây, được giới hạn bởi thung lũng sông Hồng và thượng nguồn sông Chảy, cao hơn, được cấu tạo bởi đá granit, đá phiến và các cao nguyên đá vôi. Thực chất, đây là rìa của cao nguyên Vân Nam. Những đỉnh núi cao của vùng đông bắc đều tập trung ở đây, như Tây Côn Lĩnh, Kiêu Liêu Ti.

Phần phía bắc sát biên giới Việt-Trung là các cao nguyên (sơn nguyên) lần lượt từ tây sang đông gồm: cao nguyên Bắc Hà, cao nguyên Quản Bạ, cao nguyên Đồng Văn. Hai cao nguyên đầu có độ cao trung bình từ 1000–1200 m. Cao nguyên Đồng Văn cao 1600 m. Sông suối chảy qua cao nguyên tạo ra một số hẻm núi dài và sâu. Cũng có một số đồng bằng nhỏ hẹp, đó là Thất Khê, Lạng Sơn, Lộc Bình, Cao Bằng.

Phía đông, từ trung lưu sông Gâm trở ra biển, thấp hơn có nhiều dãy núi hình vòng cung quay lưng về hướng Đông lần lượt từ Đông sang Tây là vòng cung Sông Gâm, Ngân Sơn-Yên Lạc, Bắc Sơn, Đông Triều. Núi mọc cả trên biển, tạo thành cảnh quan Hạ Long nổi tiếng. Các dãy núi vòng cung này hầu như đều trụm đuôi lại ở Tam Đảo.

Phía tây nam, từ Phú Thọ, nam Tuyên Quang, nam Yên Bái, và Thái Nguyên sang Bắc Giang thấp dần về phía đồng bằng. Người ta quen gọi phần này là "vùng trung du". Độ cao của phần này chừng 100–150 m, đặc trưng của vùng Trung du là có vùng Đồng Bằng khá rộng bị chia cắt bởi gò đồi.

Vùng đông bắc có nhiều sông chảy qua, trong đó các sông lớn là sông Hồng, sông Chảy, sông Lô, sông Gâm (thuộc hệ thống sông Hồng), sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam (thuộc hệ thống sông Thái Bình), sông Bằng, sông Bắc Giang, sông Kỳ Cùng, v.v...

Vùng biển đông bắc có nhiều đảo lớn nhỏ, chiếm gần 2/3 số lượng đảo biển của Việt Nam (kể cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa).

Lịch sử

Cơ sở lục địa của miền đông bắc được hình thành từ liên đại Nguyên sinh cách đây gần 600 triệu năm. Biển tiến và thoái liên tục cho đến chu kỳ tạo núi Indochina thì miền đông bắc thoát hẳn khỏi chế độ biển và bắt đầu chế độ lục địa. Vận động tạo núi Himalaya sau đó lan tới đây làm cho toàn miền được nâng lên và cũng đồng thời tạo ra những đứt gãy. Đất bị phơi trần và chịu tác động của nắng, mưa và gió nên không ngừng bị phân hủy trong khi các đỉnh núi bị san mòn bớt.

Khí hậu


Tuy nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm nhưng vì địa hình cao, lại có nhiều dãy núi hình cánh cung mở ra ở phía bắc, chụm đầu về Tam Đảo, vào mùa Đông có gió Bắc thổi mạnh, rất lạnh, còn mùa hè mát mẻ, do đó vùng này có khí hậu cận nhiệt ẩm. Vùng núi ở Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn có thể có lúc nhiệt độ xuống dưới 0°C và có băng giá, đôi khi có tuyết rơi. Các vùng ở đuôi các dãy núi cánh cung cũng rất lạnh do gió. 
DTMN (Tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm