Người Thái rửa sạch vấn vương trước khi làm đám cưới

Người Thái rửa sạch vấn vương trước khi làm đám cưới
Cô dâu, chú rể phải "rửa chân"

Đoàn nhà trai đến nhà gái, trước khi chính thức bắt đầu buổi lễ, ông mối mời cô dâu và chú rể đến chân cầu thang phía ngoài, nơi đã đặt một cái sanh đồng nhỏ. Người ta bỏ vào chiếc sanh đồng hai hào bạc trắng, rồi đổ nước vào, gọi là “nặm ngân, nặm căm” để rửa chân. Ông mối mời cô dâu, chú rể đặt mỗi người một chân lên bậc thang thứ nhất, vừa rửa chân vừa cầu chúc. 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lường Song Toàn, việc rửa chân cho cô dâu, chú rể có hàm ý sau:
 
- Người ta quan niệm rằng, lúc còn trẻ mỗi người đều trải qua giai đoạn yêu đương, người nào cũng từng có người yêu. Nên khi bắt đầu đến cuộc hôn nhân, trước khi bước lên cầu thang thứ nhất thì ông mối, ông chủ lễ ấy, sẽ làm lễ rửa chân. Nước trong sanh đồng gọi là nước bạc nước vàng đấy. Nước ấy gột rửa đi những vương vấn với quá khứ, để khi đã thành hôn với nhau thì phải chung thủy.
 
Nghi lễ tuy đơn sơ, giản dị nhưng với người Thái còn mạnh hơn cả luật tục. Sự linh thiêng cũng như ý nghĩa nhân văn của nghi lễ này tác động sâu đến đôi trẻ. Có lẽ bởi thế mà trước kia, với người Thái, ly hôn là chuyện động trời, ngoại tình là chuyện hiếm thấy.
 
Một trong những lễ nghi truyền thống của người Thái ở Mai Châu, Hòa Bình
Một trong những lễ nghi truyền thống của người Thái ở Mai Châu, Hòa Bình

Sau lễ rửa chân, đôi trẻ sẽ tiến hành lễ ăn thề trước tổ tiên. Người Thái gọi nghi thức này là “kin cáy xoong căm”. Nghi thức này minh chứng cho lời thề nguyện mãi mãi thủy chung, sống với nhau đến đầu bạc răng long. Khi hai gia đình đã bắt đầu làm cỗ cưới, thì người ta sắm một mâm lễ gọi là “kin cáy xòng căm”, là cái lễ ăn thề của hai người trước ban thờ tổ tiên. Vợ chồng quỳ trước ban thờ, ông mối khấn là từ ngày này trở đi hai người này thành vợ thành chồng, tổ tiên ông bà chứng giám cho hai người này sẽ là vợ chồng sống với nhau đến đầu bạc răng long.
 
Lễ “kin cáy xòng căm” phải chuẩn bị những gì? Ông Lường Song Toàn cho biết:
 
- Lễ đó thì gồm có hai con gà, một gà trống và một gà mái tơ, tượng trưng cho đôi vợ chồng, và hai gói xôi, hai chén rượu, một chai rượu, một vò rượu cần có hai cần. Ở giữa hai cần này thì có một cái vòng bạc khoanh vào, ý nghĩa là gắn bó với nhau đấy. Khi ông mối khấn xong thì người ta xé hai con gà, thịt con gà trống với một miếng xôi thì cho người vợ, còn gà mái thì cho người chồng. Hai người vắt chéo tay ăn xong thì uống hai chén rượu, sau đó uống rượu cần. Vợ chồng ăn trước sự chứng giám của thầy mo, tổ tiên, là đấy, đã ăn thề với nhau rồi nhé, sau này dù có đui què mẻ sứt cũng không thể bỏ nhau được.
 
Ngày đón dâu được ấn định, cô dâu và các phù dâu khi bước chân đến ngưỡng cửa nhà trai phải dừng lại để làm lễ cất nón.

- Con dâu bao giờ đi về nhà chồng cũng đội nón, cả những nàng phù dâu nữa cũng đội nón. Khi bước lên nhà, nếu mẹ chồng còn sống thì mẹ chồng và các bác, các dì bên chồng ra đón ở cầu thang và cất nón. Cái lễ cất nón này ý nói là con dâu sẽ là con gái, cho nên khi đã bước vào nhà chồng là mẹ đã chấp nhận con là con của mẹ, thế thì mẹ cất nón cho con và con phải biết tôn trọng mẹ và mẹ sẽ yêu thương con, không có chuyện xích mích nàng dâu mẹ chồng xảy ra - ông Toàn giải thích. 

Chiếc nón rất được chú ý trong đời sống tâm linh của người Thái. Người Thái rất kiêng kỵ việc đội nón trong nhà. Chỉ khi nào trong nhà có tang ma, khi đó chàng rể của dòng họ mới được làm công việc giết mổ gia súc, gia cầm để cúng, và duy nhất chỉ có người con rể ấy được phép đội nón vào trong nhà. 

Đám cưới xưa, đám cưới nay

Một trong những lễ nghi truyền thống của người Thái ở Mai Châu, Hòa Bình
Một trong những lễ nghi truyền thống của người Thái ở Mai Châu, Hòa Bình

Người Thái coi trọng hôn nhân. Lễ cưới, lễ hỏi được tổ chức chu đáo, cầu kì, và cũng khá tốn kém. Ngày nay, sính lễ đã được giảm nhẹ về số lượng, nhưng một số nghi thức đẹp cũng dần bị lãng quên. Việc tổ chức đám cưới của lớp trẻ ngày nay có nhiều nét khác xưa, nhưng lớp người cao tuổi thì nhiều người thấy không yên lòng.
 
Đám cưới của người Thái trước đây, xem ra có nhiều nghi lễ rườm rà, nhưng chính những nghi lễ ấy tạo nên sự ràng buộc, gắn kết giữa các cặp vợ chồng, gắn kết tình thông gia, gắn kết cộng đồng, làng bản.
 
Ngày nay, sự giao thoa văn hóa diễn ra mạnh mẽ, dẫn đến nhiều nét văn hóa đặc trưng của người Thái nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung dần mất đi, hoặc không còn rõ nét. Không chỉ các phong tục về hôn nhân bị thay đổi mà ngay cả trang phục, văn hóa ứng xử cũng không còn nét đặc trưng riêng biệt. 

Nỗi niềm canh cánh của ông Lường Song Toàn:

- Đi mời cưới thì mời tràn lan quá. Ngày xưa người ta đi mời cưới, chính ông chủ nhà bà chủ nhà phải đi mời từng nhà. Tất nhiên là điều kiện thời kỳ đó nó khác. Nhưng bây giờ thì mời cưới hơi tràn lan, cả người không thân cũng mời, họ đến nhiều khi họ bỏ phong bì xong họ về cũng không có ý nghĩa gì. Lễ rửa chân không cầu kỳ gì nhưng mà tôi thấy hay. Cái lễ ăn thề thì cũng nên làm vì nó thức tỉnh ý thức của con người lúc bấy giờ. Còn bây giờ thì cứ làm như nhau cả, lên hội trường, tuyên bố lý do, mời hai anh chị lên rồi trao nhẫn cho nhau, rồi ôm hôn nhau, tôi thấy nhiều cái nó phản cảm quá. Người Thái kín đáo lắm, người ta không làm như thế trước mặt mọi người đâu.
 
Không chỉ buồn khi các phong tục tốt đẹp, đẫm đạo lý răn dạy làm người của dân tộc mình đang bị phai nhạt dần, ông Toàn còn buồn hơn khi chứng kiến các cô dâu người Thái không còn yêu chính bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình nữa. Ngày cưới, thay vì mặc trang phục truyền thống, các bạn trẻ chọn cho mình những bộ váy cưới của người miền xuôi:
 
- Đám cưới, cả ở nông thôn cũng vậy, thuê áo cưới mặc vào tôi thấy nó phản cảm vô cùng.  Các cụ, các ông, các bà bảo sao lại phải ăn mặc như thế, mình là người Thái thì mặc bộ đồ Thái của mình có phải đẹp không?
 
Hội nhập và phát triển, dù muốn hay không, trên thực tế, bản sắc văn hóa, đặc biệt là những nghi thức mang tính nhân văn, tính giáo dục trong đám cưới của người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình) nay đã ít nhiều thay đổi.
 

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm