Lễ hội điện Trường Bà Trà Bồng năm 2017

Lễ hội điện Trường Bà Trà Bồng năm 2017
Lễ hội điện Trường Bà do cộng đồng người Việt - người Cor sáng tạo và giữ gìn, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lễ hội ra đời và phát triển lâu dài trong cộng đồng các dân tộc Kinh - Cor, phản ánh lịch sử hình thành cộng đồng dân cư ở miền Tây Quảng Ngãi nói riêng và toàn tỉnh Quảng Ngãi nói chung; phản ánh ước nguyện về một cuộc sống “người yên vật thịnh”. Thông qua các nghi lễ và những trò chơi dân gian, con người mong muốn các thế lực siêu nhiên phổ trợ cho xóm làng bình an, vừa thể hiện khát vọng về một cuộc sống no đủ, vừa tri ân những người có công mở đất và các vị thần được thờ cúng đã phù trợ cho xóm làng bình yên. 
 
Một hoạt động trong Lễ hội điện Trường Bà Trà Bồng. Ảnh: internet
Một hoạt động trong Lễ hội điện Trường Bà Trà Bồng. Ảnh: internet

Đến với Lễ hội điện Trường Bà năm nay, ngoài người Kinh, Cor, còn có người Hoa, Hre, Chămpa và các dân tộc khác ở Nam Bộ, Quảng Nam, Đà Nẵng. Đây là điều hết sức đặc biệt so với những lễ hội khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Điện Trường Bà Trà Bồng tích hợp nhiều lớp văn hóa khác nhau, thu hút rất đông các cộng đồng dân tộc, các tôn giáo đến với lễ hội. Do đó, Lễ hội có ý nghĩa chính trị xã hội hết sức sâu sắc, tạo sự gắn kết cộng đồng các dân tộc. 

Lễ hội điện Trường Bà thể hiện rõ sự giao lưu văn hóa Việt - Chămpa - Cor trên vùng đất quế Trà Bồng. Trong lễ tế ngoại đàn ở điện Trường Bà, lễ vật hiến tế chính là bò - đây có thể là vật phẩm tượng trưng cho cư dân nông nghiệp miền núi Trà Bồng. 

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trà Bồng nhấn mạnh: Việc tổ chức lễ hội nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt tinh thần cho đồng bào các dân tộc Kinh và Cor; là dịp để mọi người vui chơi, hưởng thụ văn hóa, giao tiếp cộng đồng, làm cho tinh thần vui tươi, thoải mái trước khi bước vào một mùa vụ mới. Lễ hội mang lại nhiều ý nghĩa cùng giá trị nhân văn sâu sắc. Đây như là di tích sống khẳng định tinh thần đoàn kết giữa đồng bào miền xuôi và miền ngược, cần được bảo tồn, giữ gìn cho muôn đời sau. 

Trong hai ngày 11 và 12/5, phần hội sẽ có nhiều hoạt động như: múa lân sư rồng, hát bả trạo, hát múa cà đáo, trình diễn cồng chiêng, các trò chơi dân gian... Lễ hội dự kiến thu hút hơn 4.000 du khách trong và ngoài tỉnh. 
                                                                                                                                                Đinh Thị Hương
TTXVN

Có thể bạn quan tâm