Giữ cho làn điệu Then, Tính tẩu mãi ngân xa

 Giữ cho làn điệu Then, Tính tẩu mãi ngân xa
Buổi sinh hoạt câu lạc bộ đàn tính hát then ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Ảnh: K GỬIH -TTXVN
Buổi sinh hoạt câu lạc bộ đàn tính hát then ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Những làn điệu Then mượt mà, tha thiết hòa quyện với tiếng Tính tẩu lúc vút cao, lúc lại như thủ thỉ tâm tình...  đã không chỉ lan tỏa trong công đồng Việt mà còn ngày càng được thế giới biết đến và ghi nhận. Thông qua Liên hoan lần này, bản hồ sơ đệ trình UNESCO ghi nhận Nghệ thuật Hát Then và Đàn tính của Việt Nam là Di sản văn hóa nhân loại đã thêm phàn dầy dặn và thuyết phục.

Lan tỏa “lửa” Then

Qua quá trình giao thoa văn hóa, nghệ thuật Then đã theo chân đồng bào Tày, Nùng, Thái đến khắp các vùng miền đất nước chứ không chỉ ở vùng núi phía Bắc. Ở  nhiều địa phương, các mô hình câu lạc bộ truyền dạy, thực hành Then như một loại hình văn nghệ, gần gũi và dễ thực hành đã ra đời. Đây là phương pháp tốt để giữ lửa, truyền dạy tình yêu Then cho thế hệ sau.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, có một câu lạc bộ mang tên “Nắng mới” ra đời từ năm 1996 với các thành viên ban đầu là người Tày, Nùng, Thái. Đến năm 2005 thì các thành viên nơi đây bắt đầu biểu diễn nghệ thuật hát Then, đàn Tính dù số thành viên là người dân tộc Tày, Nùng, Thái chỉ còn là số ít.  Họ cho rằng dù nhạc cụ biểu diễn chỉ duy nhất là đàn Tính, nhưng lời hát Then rất thu hút, khiến con người ta say mê lúc nào không hay. Ở “Nắng mới”, họ được thỏa niềm đam mê với loại hình văn hóa dân tộc độc đáo này.

Nghệ nhân Nông Văn Hưu, một người con của tỉnh Cao Bằng – cái nôi sản sinh ra đã đến lập nghiệp trên quê hương mới Đắk Nông cùng nhiều đồng Tày, Nùng, Thái khác.  Xa quê, mỗi người đều nhớ nhung và luôn cố gìn giữ những nét tinh hoa văn hóa của dân tộc mình.  Cũng vì nặng lòng với Tính tẩu, điệu Then mà năm 2007, ông Nông Văn Hưu cùng nhiều nghệ nhân khác đã thành lập Câu lạc bộ hát Then xã Nam Dong. Hiện nay câu lạc bộ duy trì với 16 thành viên và hoạt động rất bài bản. Ngoài tập những bài Then cổ mang đậm tính nghi lễ, nghệ nhân Nông Văn Hưu nghiên cứu, sáng tác nhiều bài Then mới theo các chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, sự đổi thay của cuộc sống trên quê hương mới… Đến nay, nghệ nhân Nông Văn Hưu đã sáng tác được hơn 150 bài Then. Năm 2015, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì thành tích bảo tồn đàn Tính, hát Then.  Ông cũng mong muốn đàn Tính, hát Then sớm được đưa vào chương trình trong nhà trường ở những nơi có đông học sinh đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Bởi ngoài việc sân khấu hóa bằng những “chiếu Then” thì việc dạy học sinh biết đánh Tính tẩu, hát các làn điệu Then là cách bảo tồn bền vững nhất loại hình di sản này.

Ở Lạng Sơn, nghệ thuật Then được đưa vào hoạt động ngoại khóa những năm học vừa qua, góp phần đưa Then đến gần với lớp trẻ. Năm 2011, Trường Trung học phổ thông Lương Văn Tri (huyện Văn Quan) đã mở lớp hát Then cho học sinh các lớp 10, 11 và mời giáo viên ở Trung tâm Văn hóa huyện trực tiếp truyền dạy. Đến nay, Trường đã tổ chức được 16 lớp với gần 300 em tham gia; đầu tư trang bị 28 đàn Tính, 2 bộ xóc nhạc, 15 bộ trang phục để phục vụ giảng dạy và biểu diễn. Nhiều tiết mục hát Then - đàn Tính được giáo viên, học sinh của Trường đưa đi tham dự các hội thi cấp ngành, cấp huyện như Giai điệu tuổi hồng, Tiếng hát người giáo viên nhân dân, đã đạt giải cao.

Hành động để giữ gìn Then

Then có nghĩa là "Thiên" - Trời, được đồng bào coi là điệu hát của thần tiên để lại, thường được người Tày dùng trong các lễ cầu an, gọi hồn và họ quan niệm các điệu Then giúp chuyển lời cầu khấn đến nhà trời. Màu sắc văn hóa tâm linh rất rõ rệt trong nghệ thuật Then. Có lẽ vì thế sau một thời gian dài, diễn xướng Then bị quy là mê tín dị đoan nên sự nối tiếp nghề của các nghệ nhân cũng bị gián đoạn. Một số dòng Then hiện nay đã không còn truyền nhân. Đây là một điều rất khó khăn cho công tác sưu tầm vì nghệ nhân là người nắm giữ toàn bộ những tinh hoa tinh tế nhất của hát Then, không có nghệ nhân đồng nghĩa với không có đối tượng nghiên cứu.

Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Then, từ năm 1961 đến nay, 11 tọa đàm khoa học, 5 hội thảo khoa học quốc gia, 1 hội thảo khoa học quốc tế đã được tổ chức tại Hà Nội và các tỉnh có di sản. Công tác kiểm kê di sản được coi trọng, việc kiểm kê không dừng ở kiểm đếm nghệ nhân hay di sản, mà mang tính nhận diện sức sống của di sản, đề xuất biện pháp bảo vệ.

Chính sách với nghệ nhân Then cũng được quan tâm. Từ năm 2002, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian cho các thầy Then. Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cũng được Chủ tịch Nước phong tặng và truy tặng cho các Nghệ nhân Then từ năm 2015. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cũng xét tặng nghệ nhân theo tiêu chí riêng, căn cứ vào kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật hát Then hoặc thực hành nghi lễ Then Tày - Nùng - Thái...

Tại Hà Giang, UBND tỉnh đã vinh danh 12 nghệ nhân dân gian, trong đó có nghệ nhân gìn giữ Then cổ. Ngoài ra, di sản còn được đưa vào trường học truyền dạy cho học sinh. Các Hội nghệ nhân dân gian cũng được thành lập đến tận thôn, bản, từ đó truyền dạy, hướng dẫn thế hệ trẻ bảo tồn giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc nói chung, cũng như di sản Then của đồng bào Tày - Nùng - Thái được phát huy một cách tốt nhất. Song song với bảo tồn Then cổ là phát triển Then mới, có định hướng để không làm lệch lạc, mai một nội dung Then cổ.

Các nghệ nhân cũng là những người rất tâm huyết với Then, họ chủ trương tiến hành các hoạt động phục dựng, truyền dạy, phát huy giá trị di sản Then trong cộng đồng. Có thể kể đến, Nghệ nhân Ưu tú Lưu Xuân Lai ở thôn Đồng Uẩn, xã Phúc Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ông là một trong người đầu tiên ở Định Hóa mở lớp truyền dạy hát then cho con cháu khi phong trào hát Then, đàn tính được phục dựng tại địa phương. Cùng với việc lưu giữ, truyền dạy các bài then đặc sắc, ông còn là người chế tác đàn tính nổi tiếng ở đất Thái Nguyên, mỗi năm ông chế tác từ 150- 300 cây đàn.
 
Buổi sinh hoạt câu lạc bộ đàn tính hát then ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước Ảnh: K GỬIH -TTXVN
Buổi sinh hoạt câu lạc bộ đàn tính hát then ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Còn ông Ma Văn Đức, dân tộc Tày, tổ 21, phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang) cũng dành trọn đam mê, tâm huyết trong hơn 20 năm qua để sưu tầm, nghiên cứu, dịch nghĩa, viết sách về các cung Then cổ, hát Cọi… của dân tộc Tày ở Tuyên Quang. Với tâm huyết và kiến thức phong phú của mình, ông Đức được biết đến như người giữ “hồn Then” ở Tuyên Quang. Sau nhiều năm nỗ lực, ông Đức đã sưu tầm đầy đủ 81 cung Then cổ với gần 20.000 câu thơ thất ngôn trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, ông dành nhiều thời gian chọn lọc một số cung, đoạn Then cổ giàu nội dung giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương và những tích truyện hay có cảm xúc thẩm mỹ để dàn dựng, biểu diễn phục vụ công chúng. Ông cũng sáng tác lời mới (thơ song ngữ) và trực tiếp truyền dạy một số làn điệu Then cho học sinh…

Độc đáo Tính tẩu

Phụ họa đắc lực cho lời hát Then phải kể đến chiếc đàn dây Tính tẩu và chùm nhạc xóc gọi là Hính Mạ – Nhạc Ngựa. Tính tẩu có nghĩa là đàn bầu vì hộp đàn làm bằng quả bầu khô, “Tính” có nghĩa là “đàn”.  Nhà nghiên cứu âm nhạc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Hoành Loan cho biết: Ngoài tên gọi “Tính tẩu” thì đồng bào gọi nhạc cụ ấy là “Then Tính” (cây Đàn Then) hoặc có thể hiểu nó là cây đàn mà Trời đã ban cho đồng bào. Không có hát, không có đàn tính, không có xóc nhạc đệm cho hát trong quá trình hành lễ thì không gọi là Then. Đây là điều nổi trội về nghệ thuật làm cho Then trở thành hình thức diễn xướng có sức hấp dẫn rất lớn trong đời sống người Tày, Nùng, Thái.

Để làm ra một cây Tính tẩu phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp như: Chọn bầu, làm cần, mặt đàn và chọn dây đàn. Công đoạn chọn bầu đàn là quan trọng nhất, bởi bầu đàn quyết định âm thanh, độ trầm, bổng. Bầu đàn phải làm bằng quả bầu già, khô. Muốn đàn có độ bền cao, dùng lâu, không bị cong vênh cần lựa chọn những cây gỗ già, mịn, ít vân, mắt để làm cần đàn. Mặt đàn xẻ mỏng khoảng 3mm, trên mặt đàn có khoét hai lỗ hình hoa thị để thoát âm... Công đoạn lắp dây đàn đòi hỏi người làm đàn giỏi không chỉ cần đôi tay khéo léo mà còn phải có khả năng cảm thụ âm nhạc, kinh nghiệm chơi đàn, thẩm âm giỏi.

Tính tẩu có loại 2 dây, có loại 3 dây, có thể độc tấu, đệm cho hát, múa và hòa tấu cùng các loại nhạc cụ dân tộc thuộc bộ hơi, như: Sáo trúc, sáo bầu, đàn nhị, pí pặp…Tính tẩu có âm sắc êm dịu, thanh thoát. Tính Tẩu có khả năng diễn tấu năng động, linh hoạt. Các ngón kỹ thuật thường tập trung ở tay trái: Trượt, vuốt, luyến, láy, rung và đặc biệt kỹ thuật búng, gẩy tại chính nốt bấm cho hiệu quả âm thanh mềm mại. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dù xã hội đã nhiều thay đổi, nhưng đến nay, Tính tẩu vẫn là nhạc cụ chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tình cảm, trong tâm hồn người Tày, Nùng, Thái và vẫn còn rất nhiều người dành tâm huyết cả đời để chế tác ra những cây đàn tính hoàn hảo nhất.

Có thể nói rằng đối với các dân tộc Tày, Nùng, Thái, hiện Then vẫn đang được yêu thích và sử dụng trong đời sống hằng ngày, cả đời sống văn nghệ lẫn đời sống tâm linh. Mỗi địa phương, mỗi cá nhân yêu Then đều có những hành động cụ thể để bảo vệ, gìn giữ Then theo cách riêng của mình để lan tỏa giá trị của Then trong đời sống, ở mỗi vùng miền để làn điệu Then và tiếng Tính tẩu mãi ngân xa. Thêm vào đó, Then ở mỗi vùng lại có phong cách riêng, độc đáo. Sự phong phú, đa dạng ấy thể hiện sức sống của di sản trong đời sống đương đại.
       Thanh Giang
TTXVN

Có thể bạn quan tâm