Cọn nước - nét văn hóa độc đáo miền non nước Cao Bằng

Cọn nước - nét văn hóa độc đáo miền non nước Cao Bằng
Cọn nước (hay gọi là guồng nước) là một trong những hình ảnh thân thuộc mà du khách thường bắt gặp trong hành trình tham quan, khám phá các vùng đất ở Cao Bằng. Hình ảnh những chiếc cọn nước bình dị, dân dã không đơn thuần chỉ là một công trình thủy lợi mà đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của nhân dân các dân tộc nơi đây, góp phần làm nên vẻ đẹp thơ mộng, hữu tình của miền non nước.
Cọn nước - nét văn hóa độc đáo miền non nước Cao Bằng ảnh 1Những chiếc cọn nước góp phần làm nên vẻ đẹp của miền non nước Cao Bằng. Ảnh: baocaobang.vn
Đến Cao Bằng, ngoài được tham quan, ngắm cảnh những di tích lịch sử, văn hóa và những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, du khách sẽ thả hồn vào thiên nhiên trong tiếng rầm rì của những chiếc cọn nước - đặc trưng văn minh sản xuất lúa nước của cư dân nông nghiệp vùng non cao. Do địa hình đồi núi cao, ruộng lúa chủ yếu là ruộng bậc thang trên các lưng chừng đồi, không tập trung nên không chủ động nước tưới từ các công trình thủy lợi. Vì vậy, cọn nước được người dân ở một số địa phương coi như “vị cứu tinh” của quá trình sản xuất nông nghiệp.
Ông Hoàng Văn Ngần - người cao tuổi ở xóm Pác Gọn, xã Đình Phong (Trùng Khánh) cho biết: Cọn nước được làm từ tre nứa, gỗ, với 3 thành phần chính là trục giữa, nang cọn và cánh quạt. Trục giữa của cọn được làm bằng gỗ lõi có độ bền và có khả năng chịu nước tốt. Nang cọn được làm bằng những cây tre, vầu thân thẳng, nhỏ và phải là loại vầu già đủ tuổi. Tùy theo độ cao thấp, mực nước của nơi cần dẫn nước đến và nguồn nước mà người làm cọn sẽ quyết định kích thước của cọn thông qua độ dài ngắn của nang cọn. Những cây tre, vầu được buộc chéo liên tiếp từ 2 phía trục tạo ra hình chữ V với tâm là trục. Ở những đầu cây tre, người ta buộc một vòng tre hoặc dây rừng có độ bền, đảm bảo khi cọn vận hành những cây tre, vầu không bị xê dịch. Tiếp đến ở những đầu cây tre, người ta buộc những cánh quạt nước được làm từ những cây tre, nứa già chẻ mỏng rồi đan lại thành từng tấm phên hình chữ nhật. Các cánh quạt này khi nước chảy tác động vào sẽ tạo ra lực đẩy làm quay cọn. Cuối cùng, quan trọng nhất đối với mỗi chiếc cọn nước là việc đặt và bố trí những ống đựng nước trên thân cọn. Mỗi ống đựng nước thường được buộc kèm chéo theo mỗi cánh quạt nước và phải buộc tất cả các ống cùng nghiêng một độ nhất định thì mới khiến cọn không bị lỗi nhịp khi guồng nước.
 
Cọn nước quay được phải có sức nước. Dòng nước chảy càng mạnh thì cọn nước càng quay nhanh. Để tiện dẫn nước về tưới các ruộng, thường những nhà có ruộng gần nhau thì làm chung một cọn. Cứ vậy, 3 - 5 nhà làm chung một cọn và họ dựng những cọn nước ở gần nhau, cái nọ nối tiếp cái kia tạo thành một cụm. Việc sử dụng những cọn nước để đưa nước từ dưới sông, suối lên ruộng cao không những khắc phục được việc phải tốn nhiều công sức đắp phai, đào hàng trăm mét mương dẫn nước đi qua những chướng ngại vật của vùng núi cao mà còn là một minh chứng về sự sáng tạo kỹ thuật trong thủy lợi, một công trình văn hóa mang đậm bản sắc văn minh nông nghiệp từ xa xưa.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Côn (Trùng Khánh) Phan Văn Tuân, Trùng Khánh là một trong những địa phương có nhiều cọn nước nhất. Nếu đi dọc dòng sông Quây Sơn sẽ rất dễ dàng bắt gặp từng cụm những chiếc cọn nước ngày đêm hoạt động. Hiện nay, trong công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp, hình ảnh những chiếc máy bơm hay hệ thống kênh mương kiên cố đang dần chiếm hữu, nhưng không thể phủ nhận tính hữu ích và giá trị cao của cọn nước trong nông nghiệp lúa nước, bởi vẫn có những khu ruộng bậc thang nơi núi cao hay những mảnh ruộng nơi xa, không tập trung không thể làm mương thủy lợi để dẫn nước đến. 
 
Đối với nhân dân các dân tộc Cao Bằng, nếu được hỏi cọn nước có từ bao giờ, họ sẽ không cho bạn được một câu trả lời thỏa đáng, nhưng có thể nói, nếu công cụ lao động bằng đồng ra đời gắn với văn minh lúa nước ở đồng bằng thì cọn nước chính là chứng nhân của văn minh lúa nước ở miền núi. Những kinh nghiệm làm cọn nước được truyền từ đời này sang đời khác là những tri thức và kinh nghiệm dân gian quý báu thể hiện được khả năng thích ứng với môi trường, sự sáng tạo của cha ông ta từ ngàn xưa để đối phó với thử thách khắc nghiệt của thời tiết, thiên nhiên.   
 
Cùng với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình, hình ảnh những chiếc cọn nước như những bánh xe khổng lồ chậm rãi quay ngày đêm đã góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp của miền non nước Cao Bằng. Còn đối với những người dân địa phương, tiếng rầm rì, cọt kẹt của cọt nước đã đi vào tâm thức và trở nên gần gũi, thân thương như chính những người bạn tri kỷ không bao giờ thay đổi theo thời gian.
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm