Cao Bằng thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

Cao Bằng thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội
Lễ rước dâu của người Dao đỏ huyện Nguyên Bình.
Lễ rước dâu của người Dao đỏ huyện Nguyên Bình.
NHỮNG NÉT MỚI TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG

Xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang là xây dựng nếp sống văn hóa, từng thôn, xóm, khu dân cư xây dựng quy ước, hương ước, coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm. Vì vậy, việc tổ chức lễ cưới được nhân dân tổ chức tiết kiệm đúng quy định Luật Hôn nhân và Gia đình, phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc; tình trạng thách cưới, tảo hôn đã giảm đáng kể. Việc tang được tổ chức với những nghi lễ đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm, phù hợp nhưng vẫn giữ được tính nghiêm túc, long trọng của một đám tang, không thương tổn đến tình cảm dân tộc. Các địa phương trong tỉnh đã thành lập, củng cố và duy trì tốt chức năng các hội, như: Hội hiếu, hội bảo thọ...    

Là một xóm có nhiều dân tộc cùng sinh sống, gồm: Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ với 63 hộ dân, nhưng nhiều năm nay, xóm Nà Xiêm, xã Bảo Toàn (Bảo Lạc) đã không còn tình trạng sinh con thứ 3; việc cưới, việc tang đều được thực hiện theo nếp sống mới. Ông Nông Văn Tấn, Trưởng xóm Nà Xiêm cho biết: Trước đây, nhà nào có việc cưới hoặc tang đều rất tốn kém. Trong đám cưới chỉ tính việc trả lễ, lại mặt họ hàng cũng mất khoảng 5 - 7 con lợn to, chưa kể việc thách cưới đưa cho nhà gái và cỗ bàn ăn uống 4 - 5 ngày. Nhiều gia đình sau khi nhà có việc cưới việc tang xong phải trả nợ gần chục năm không hết. Từ ngày thực hiện nếp sống văn hóa và được tuyên truyền về việc thực hiện văn minh trong việc cưới việc tang, đồng bào đã hiểu và bỏ dần các thủ tục lạc hậu, tệ thách cưới đã không còn, việc trả lễ, lại mặt cho anh em họ hàng cũng đã giảm hẳn, chỉ mang tính chất lễ nghĩa chứ không nặng về lễ vật như trước đây.

Đối với dân tộc ít người như dân tộc Mông, Dao, luôn thực hiện nghiêm túc Quy ước nếp sống văn hóa dân tộc. Các hủ tục như bón cơm cho người chết, để xác lâu ngày trong nhà, tổ chức ăn uống linh đình tốn kém; đưa người chết ra đồng với sự thờ ơ, lánh mặt của hàng xóm, uống rượu say, đánh bạc..., đã dần được loại bỏ.

Bà Thào Thị Chi, Chủ tịch UBND xã Tân Việt (huyện Bảo Lâm) cho biết: xã Tân Việt  có 100% dân cư là dân tộc Mông. Trong những năm qua thực hiện xây dựng đời sống văn hóa và Quy ước nếp sống văn hóa dân tộc Mông, trong đám cưới, đám ma của đồng bào đã có nhiều đổi mới theo hướng tích cực. Riêng việc tang, mấy năm trở về trước khi có người chết, đồng bào Mông thường lấy cây về treo người chết ở trong nhà để làm ma. Hiện nay, đồng bào đã bỏ tục lệ đó và người chết được cho áo quan, tổ chức tiết kiệm không lãng phí, giữ gìn vệ sinh môi trường.

LỄ HỘI ĐẢM BẢO TRANG NGHIÊM, ĐẬM NÉT VĂN HÓA DÂN TỘC

 
Du khách trẩy hội đền Kỳ Sầm, xã Vĩnh Quang (Thành phố). Ảnh: Thế Vĩnh
Du khách trẩy hội đền Kỳ Sầm, xã Vĩnh Quang (Thành phố). Ảnh: Thế Vĩnh

Tỉnh Cao Bằng có trên 100 lễ hội truyền thống và lễ hội Xuân được tổ chức với quy mô lớn nhỏ khác nhau, chủ yếu diễn ra vào mùa xuân và mang đậm nét văn hóa dân tộc địa phương. Các hoạt động lễ hội tạo không khí phấn khởi trong nhân dân, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Tiêu biểu, như: Lễ hội Sóc Giang (Hà Quảng), Đền Vua Lê (Hòa An), Lễ hội Pháo hoa, Hội Thanh Minh (Quảng Uyên), Lễ hội đền Kỳ Sầm, chùa Đống Lân, Đà Quận (Thành phố), Hội thi Bò đẹp và chọi Bò (Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Thông Nông)... Các lễ hội mang nét văn hóa chung của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, có ý nghĩa cầu phúc, cầu lộc, cầu mùa, mong muốn cuộc sống ngày càng tốt đẹp, tôn vinh các nhân vật lịch sử có công lao chống giặc ngoại xâm giữ gìn đất nước.

Ông Ngô Quang Tú, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin Thành phố Cao Bằng cho biết: Là địa bàn có nhiều lễ hội diễn ra trong mùa xuân, Thành phố đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại cơ sở. Nhìn chung các lễ hội được tổ chức đúng nghi lễ, đảm bảo về nội dung phần lễ và phần hội, quản lý chặt chẽ, phù hợp với thuần phong mỹ tục, bảo tồn và phát huy vốn văn hoá truyền thống của dân tộc. Quá trình tổ chức các lễ hội được thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước, đảm bảo thiết thực, an toàn, tiết kiệm, văn minh. Có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm các quy định của Ban Tổ chức, thương mại hoá, hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.

Lễ hội được tổ chức diễn ra tưng bừng với các trò chơi dân gian, như:  kéo co, cờ tướng, tung còn, bóng chuyền, nhảy bao bố...; xây dựng chương trình văn nghệ, biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách với các làn điệu dân ca, dân vũ và các hình thức diễn xướng văn hóa dân gian truyền thống. Thông qua lễ hội kịp thời động viên nhân dân phấn khởi đón xuân, hăng hái sản xuất, thực hành tiết kiệm, xây dựng tính cộng đồng, tăng cường giao lưu văn hóa, củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc.   

CẦN QUYẾT LIỆT HƠN TRONG THỰC HIỆN QUY ĐỊNH

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, ở một vài nơi, chủ yếu ở Thành phố, thị trấn vẫn còn những nơi tổ chức nặng tính hình thức. Nhiều gia đình tổ chức cưới xin linh đình... Trong đám ma vẫn bắt gặp tình trạng rải vàng mã qúa nhiều, tràn lan..., gây mất mỹ quan đô thị. Đối với những vùng sâu, vùng xa vẫn còn những hủ tục trong ăn, uống.

Trên thực tế, để thay đổi tâm lý, phong tục tập quán đã ăn sâu từ nhiều thế hệ không phải chuyện một sớm một chiều. Để tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện thì đòi hỏi có sự chung tay góp sức của cả người dân và chính quyền địa phương. Trong đó, vai trò của người cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị rất quan trọng. Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các quy định trong việc việc cưới, việc tang, lễ hội, thì việc đề cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên luôn được coi trọng.

Các cơ quan, đơn vị, khu dân cư cần lấy tiêu chí về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội để đánh giá về gia đình văn hóa, làng văn hóa và phân loại cán bộ, đảng viên hằng năm. Cần phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị để tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức của người dân. Cùng với đó là nhân rộng những gương điển hình, cách làm hay..., để có sự lan tỏa rộng rãi hơn đối với mọi tầng lớp nhân dân.

             
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm