Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu, phát huy giá trị văn hóa vùng đất Nam Bộ

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu, phát huy giá trị văn hóa vùng đất Nam Bộ
Từ khi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định thành lập Bảo tàng Cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12/8/1978, Ban Giám đốc, tập thể cán bộ, nhân viên Bảo tàng luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, chức năng của một bảo tàng chuyên về đấu tranh cách mạng, sưu tập chủ yếu các hiện vật, tư liệu về hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của quân, dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Khách tham quan Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Thuận – TTXVN
Khách tham quan Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Thuận – TTXVN
 
Năm 1999, sau được đổi tên thành Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với sự phát triển về quy mô cũng như phạm vi hoạt động rộng lớn hơn, gắn liền với lịch sử, văn hóa, con người Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng tiếp tục đầu tư công tác sưu tầm, đặc biệt là những hiện vật, sưu tập có giá trị văn hóa lịch sử, minh chứng cho sự hình thành, phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, vùng đất Nam Bộ nói chung.
 
Phát biểu tại buổi lễ, bà Phạm Dương Mỹ Thu Huyền, Giám đốc Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đến nay, Bảo tàng đã sưu tầm, lưu giữ hơn 374.000 tài liệu, hiện vật, trong đó có 77.850 hiện vật gốc; nghiên cứu, hình thành trên 108 bộ sưu tập hiện vật, trong đó 15 bộ sưu tập hiện vật quý hiếm được đánh giá cao về giá trị văn hóa lịch sử khoa học, kinh tế như: “Sắc phong, văn bản hành chính”; “Kiến trúc đô thị thành phố”; “Tượng dân gian”…
 
Cùng với đó, Bảo tàng thành phố vừa phục vụ yêu cầu về nhiệm vụ chính trị của thành phố vừa đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách trong, ngoài nước.

Trung bình mỗi năm, Bảo tàng đón tiếp hơn 400.000 lượt khách, thông qua các chương trình gắn kết văn hóa, du lịch tại thành phố, nhiều năm liền là điểm đến tham quan hấp dẫn của Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Bà Phạm Dương Mỹ Thu Huyền cho biết, những năm tiếp theo, Bảo tàng tiếp tục xây dựng định hướng phát triển từng giai đoạn với các giải pháp cụ thể như: Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học để hoạch định kế hoạch sưu tầm hiện vật có trọng tâm; tiếp tục liên kết phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giới thiệu hiện vật sưu tầm.
 
Thêm vào đó, Bảo tàng tiếp tục đầu tư, đổi mới các mặt hoạt động, bổ sung trưng bày; nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ viên chức về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc, phong cách phục vụ, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan và yêu cầu phát triển của Bảo tàng.
 
Dịp này, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận 1.186 tài liệu, hiện vật, phim ảnh của các cán bộ lão thành cách mạng, tổ chức, cá nhân, trong đó có nhóm hiện vật về văn hóa dân gian của nhà nghiên cứu và sưu tập Trương Ngọc Tường, phim ảnh trong kháng chiến chống Mỹ của nhà nhiếp ảnh Dương Thanh Phong... Đặc biệt là các máy chụp ảnh, nhiều tư liệu phản ánh cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta trong lòng Địa đạo Củ Chi của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Thanh Phong.
 
Cũng tại buổi lễ, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Trưng bày chuyên đề “Dấu ấn khai phá vùng đất Nam Bộ qua hiện vật Bảo tàng”. Nội dung chuyên đề giới thiệu hiện vật tiêu biểu được chọn lọc từ trên 130 bộ sưu tập hiện vật trong hàng trăm ngàn tài liệu, hiện vật Bảo tàng đang lưu giữ. Trong đó, có những chiếc ấn, triện, sắc phong, chỉ dụ, tờ truyền …sẽ là nguồn sử liệu quan trọng, góp phần làm rõ thêm các giai đoạn lịch sử của vùng đất Nam Bộ.
 
Trưng bày chuyên đề diễn ra đến cuối năm 2018./.
  Gia Thuận
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm